Top

Giải tỏa tâm lý để kích thích thị trường

Cập nhật 12/02/2009 16:55

Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc tìm các giải pháp kích thích thị trường đang được các nhà hoạch định chính sách thực hiện, song hành với các biện pháp đó, vấn đề giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư và người dân cũng là điều cần được tính đến.

Thăm dò 300, mua bán 5!

Một ngày đầu tháng 2-2009, chị Hoàng Thị Vân - ngụ ở quận 4 (TPHCM) đến một sàn giao dịch BĐS lớn ở quận Phú Nhuận, đến tìm kiếm một căn hộ ở quận 8. Yêu cầu của chị đưa ra là căn hộ khoảng 60 - 70 m2, mức giá khoảng từ 8 - 10 triệu đồng/m2.

Đặc biệt, chị Vân còn có yêu cầu ít nhất là căn hộ phải đang hoàn thiện và giao nhà trong năm 2009 để chị có thể dọn về ở sớm. Ngoài ra, căn hộ đó phải được chủ đầu tư dự án bảo lãnh cho vay khoảng từ 200-250 triệu đồng, vì số tiền dành dụm của chị chưa đủ để trả cho toàn bộ giá trị căn hộ.

Nhận được thông tin này, các nhân viên của sàn giao dịch nói trên liền vào cuộc tìm kiếm. Kết quả là các căn hộ mà các nhân viên chọn không thể đáp ứng hết những yêu cầu đó của chị Vân. Có căn hộ vừa túi tiền, phù hợp diện tích và ngân hàng có thể cho vay thì lại không đáp ứng tiến độ. Có căn hộ có thể giao nhà trong năm 2009 theo như yêu cầu thì lại quá lớn và giá trị lên đến trên 1 tỉ đồng. Có căn hộ phù hợp tất cả các yêu cầu thì lại không phải ở quận 8, là nơi mà cả 2 vợ chồng chị đang công tác. ..

Thực tế hiện nay, tại các sàn giao dịch BĐS, lượng người đến tham khảo, tìm hiểu các dự án là khá đông nhưng số vụ giao dịch thành công trong một tháng chỉ đếm chưa hết mười đầu ngón tay. Chưa kể, nhiều người đến chỉ để tìm hiểu thông tin, chính sách, thậm chí cả quy hoạch, khi nào mở đường...

Ông Bùi Tiến Thắng - Giám đốc sàn giao dịch Sacomeal cho biết, tại sàn Sacomreal mỗi ngày có khoảng từ 30 - 50 lượt người đến giao dịch nhưng rốt cuộc trong tuần đầu của tháng 2-2009 chỉ có 5 hồ sơ được thực hiện. Tính ra, tỷ lệ giao dịch thành công so với lượt khách hàng tìm hiểu là vào khoảng 1/50. Đó là đối với sàn giao dịch lớn, còn tại các sàn giao dịch nhỏ thì tỉ lệ này còn thấp hơn rất nhiều.

Một trong những lý do quan trọng mà lãnh đạo các sàn giao dịch BĐS đưa ra để lý giải cho việc sức mua bán BĐS thấp là bởi tâm lý. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ trước đây bất chấp cả thông tin về căn hộ, nền đất mà vẫn cứ vô tư đặc cọc mua ngay từ khi dự án mới khởi động.

Còn nay, lượng khách hàng đầu tư đã giảm sút rất nhiều bởi họ e ngại chính sách đang "siết chặt" hơn đối với các nhà đầu tư thứ cấp. Và thực tế nhiều nhà đầu tư thứ cấp bị khánh kiệt, phá sản trong năm 2008 vừa qua là những "tấm gương" điển hình khiến cho nhiều nhà đầu tư đến với các sàn giao dịch hiện nay e ngại. Vì vậy, quy định các dự án phải giao dịch sản phẩm thông qua sàn giao dịch BĐS bắt đầu áp dụng từ 1-1- 2009 có vẻ như không ăn nhập gì với mục tiêu kích thích thị trường BĐS nhằm làm cho thị trường này phát triển.

Nhà phố vẫn… vô tư!

Một trong những lý do khiến cho hoạt động giao dịch nhà phố vẫn đạt số lượng lớn trong năm qua, dù có nhiều căn nhà chẳng cần giao dịch qua sàn, là bởi tính ổn định và hoàn thiện của sản phẩm BĐS. Ông Phạm Văn Hải - Tổng giám đốc Công ty địa ốc ACB (ACBR) cho biết: "Hệ thống các sàn giao dịch và chi nhánh giao dịch BĐS của ACBR trong năm 2008 vẫn giao dịch tốt. Dù các loại sản phẩm khác như đất nền dự án, căn hộ rất khó giao dịch nhưng lượng nhà phố được giao dịch vẫn đạt từ 60-70% trong tổng số các giao dịch tại sàn ACBR".

Điều này chứng tỏ một khi sản phẩm BĐS đã định hình và có giấy tờ đầy đủ vẫn tạo một sự tin tưởng nhất định cho người mua. Yếu tố tâm lý này tại sao không được khuếch trương ở các dự án căn hộ hoặc đất nền, dù rằng các dự án căn hộ đã xây xong phần móng và các dự án nền đất đã hoàn chỉnh hạ tầng? Câu hỏi này sẽ được trả lời không khó một khi các doanh nghiệp làm đúng cam kết, không đổ gánh nặng rủi ro lên cho khách hàng như một số chủ đầu tư đã làm trong thời gian qua.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng: "Theo tôi, ngoài việc một số doanh nghiệp "bội tín", một trong những khía cạnh khiến cho nhiều doanh nghiệp không làm đúng cam kết với khách hàng còn bởi yếu tố thủ tục hành chính. Nhiều doanh nghiệp ngay tình rất muốn đẩy nhanh tiến độ dự án nhưng do "cái nút cổ chai" hành chính khiến họ bất đắc dĩ không thực hiện đúng cam kết với khách hàng. Có thể nói, nếu không sớm giải quyết các vấn đề rườm rà về thủ tục thì xã hội sẽ còn bị lãng phí rất nhiều tiền của, công sức, chưa kể nhiều vụ việc kiện tụng giữa khách hàng và các chủ đầu tư cũng bởi lý do thủ tục hành chính".

Giải quyết được tâm lý e ngại từ việc xác định và cam kết nền tảng pháp lý từ phía Nhà nước đối với thị trường BĐS là một việc làm có thể kích thích thị trường phát triển. Một khi chính sách cứ thay đổi liên tục thì người dân dù có nhu cầu mua nhà để ở vẫn còn có tâm lý e ngại.

Chưa kể, những trục trặc về vấn đề thủ tục luôn chờ sẵn các nhà đầu tư trên hành trình đầu tư, kinh doanh của mình cũng khiến cho các doanh nghiệp luôn ở trong tâm trạng căng thẳng, khó toàn tâm toàn ý tin tưởng để hoạch định kế hoạch làm ăn dài hạn của mình.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG