Cũng chương trình tiết kiệm nhà ở, cũng mô hình căn hộ với mức giá khoảng 300 triệu đồng/căn, diện tích từ 50-60m2...
Hai năm trước khi đề án nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng công bố, Dự án Phát triển hợp tác xã nhà ở đã xây dựng một mô hình với nhiều chỉ tiêu tương tự đề án này, như liệt kê ở trên.
Thế nhưng, khoảng 200 người đã nộp tiền và tham gia vào chương trình tiết kiệm nhà ở giờ đây đang ngóng chờ “con dấu đỏ” trong hồ sơ xin đất.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Duy Nhật, Giám đốc Dự án nói:
- Việc triển khai mô hình nhà ở xã hội của chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến đất đai. Đất không phải là không có, ví dụ Hợp tác xã Dịch vụ Nhân Chính có 8.500m2 đất, đã nhất trí để chúng tôi xây dựng dự án hợp tác xã nhà ở. Nhưng họ không phải người quyết định được việc cho triển khai dự án, mà phải là các cấp ở trên.
Khi đưa lên đến thành phố thì vướng. Quy hoạch không có vấn đề gì, vướng là ở thủ tục, rất nhiều vấn đề. Mà đối với dự án nhà ở thì quan trọng nhất là phải giải quyết xong các thủ tục liên quan đến đất. Không có đất thì không thể làm được.
* Chuyện khó thu xếp đất cụ thể như thế nào?
Đúng là “tấc đất, tấc vàng”, rất thiếu. Nhưng ngay tại Hà Nội hiện nay, có nhiều dự án đã được giao đất có triển khai đâu. Hay nhiều dự án nhà ở thương mại, xây được rồi nhưng chẳng ai ở, gây lãng phí cho xã hội.
Cần phải xem xét sử dụng đất sao cho hợp lý, cho đến được với người cần chỗ ở thực sự. Người thu nhập thấp là công chức hiện nay rất nhiều và số người không tiếp cận được với nhà ở cũng rất lớn.
Tôi tính với thu nhập của một công chức khoảng 2 triệu đồng/tháng thì dù không tiêu pha gì, với mặt bằng giá nhà hiện nay, anh có để dành 20 năm cũng chưa mua được. Nhưng nếu theo mô hình của chúng tôi, giá chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/m2 thì mới có thể mua được.
Hiện nay, rất nhiều người muốn tham gia chương trình tiết kiệm nhà ở của chúng tôi, nhưng vì chưa được cấp đất, không hình thành được dự án nên không dám nhận.
* Những vị trí đất “vàng” như khu Nhân Chính dễ tạo xung đột lợi ích. Vì sao các ông không thử tìm vị trí ít thuận tiện hơn, giá trị thấp hơn?
Xin đất ở Sóc Sơn có khi cũng được, nhưng giả sử anh làm việc tại trung tâm thành phố mà dự án lại bán nhà cho anh ở tận Sóc Sơn thì anh cũng không thể mua được. Hay ngược lại, anh làm việc tại Hà Đông thì chắc gì anh đã muốn ở khu Nhân Chính.
Dù là nhà ở xã hội, giá trị giao dịch thấp, nhưng không có nghĩa là người sở hữu không được hưởng những thuận tiện về mặt đi lại, hay các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế…
Đừng cho người ta những nơi ở mà cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Những người thu nhập thấp này cũng phải được hưởng phúc lợi xã hội như những người khác. Cơ sở hạ tầng Nhà nước đầu tư thì phải được chia sẻ công bằng, đó mới là xã hội.
* Có vẻ như dự án của các ông chưa có được sự đồng thuận từ các cấp chính quyền?
Khi chúng tôi trình bày mô hình dự án thì lãnh đạo từ Bộ Xây dựng, đến UBND thành phố đều ủng hộ về chủ trương. Nhưng khi đi sâu vào triển khai thực hiện thì vẫn vướng, vẫn phải chờ đợi. Việc này, theo tôi là phải có được chủ trương từ cấp cao hơn, từ Chính phủ thì mới dễ thực hiện.
* Trong gói giải pháp kích cầu cũng có đề cập đến việc xây nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cũng đưa phương án phát triển nhà cho người có thu nhập thấp và khuyến khích doanh nghiệp tham gia…
Đưa vào tay doanh nghiệp thì họ phải tính toán đến lợi nhuận, vì thế họ chẳng mặn mà gì với nhà ở xã hội. Đã có chủ trương dành 20% đất đối với dự án đô thị quy mô trên 10ha để phát triển nhà ở xã hội, nhưng nhiều năm qua chúng ta không làm được theo đúng mục tiêu này. Luật Nhà ở có hiệu lực từ 2005, nhưng đến nay vẫn chưa làm được.
* Gần đây đã có một số doanh nghiệp lại quay ra “mặn mà” với dự án nhà ở xã hội. Ông nghĩ sao về việc này?
Có một vài doanh nghiệp, tổng công ty có thông tin trên báo chí là muốn xây dựng các dự án theo mô hình nhà ở xã hội. Thực ra, khi mà thị trường nhà ở thương mại bị đóng băng hết cả thì doanh nghiệp họ quay ra nhà ở xã hội, tuy lãi suất thấp hơn nhưng triển vọng kinh doanh có vẻ sáng sủa hơn. Đó là chiến lược kinh doanh của họ thôi.
Nhà cao cấp thì có thể lãi suất cao, nhưng khó bán trong tình hình này. Nhà giá thấp hơn thì sẽ dễ bán, bán được nhiều. Đó là bài toán mà các nhà làm kinh doanh phải tính đến. Họ phải theo nhu cầu thị trường hết. Mà thị trường phải tuân theo tiêu chí của nhiều những người cần nhà.
* Vừa rồi Bộ Xây dựng cũng có công bố chỉ tiêu nhà ở xã hội được dư luận quan tâm là nhà khoảng 50m2 giá chỉ 300 triệu đồng. Ông nghĩ gì về việc này?
Theo tôi thì dù ai, cơ quan nào giải quyết được vấn đề nhà ở cho dân với mức giá hợp lý, số lượng đủ nhiều để người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được thì đều tốt cả. Mà Nhà nước phải làm sao giải quyết được vấn đề đó, vì nhu cầu hiện nay rất lớn. Đây là nhu cầu rất chính đáng, nếu không giải quyết được là tạo khiếm khuyết trong xã hội.
Giải quyết được thì phải liên quan đến cơ chế chính sách của Nhà nước, và phải cụ thể hơn nữa, đặc biệt là chính sách liên quan đến đất đai.
* Ông có cho rằng hai năm không triển khai được dự án thì cần phải xem xét lại mô hình này?
Mô hình này hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu xã hội và có nhiều tính ưu việt. Lãnh đạo các bộ, địa phương đều nhìn nhận rất tốt về mô hình này.
* Có phải do Liên minh Hợp tác xã không đủ ảnh hưởng nào đó đối với việc quyết định cho phép triển khai dự án?
Cũng không hẳn thế. Có nhiều bộ, ngành vai trò rất lớn nhưng cũng không dễ làm được. Vì đất đai bây giờ là vấn đề rất khó khăn, đặc biệt là giải quyết xung đột quyền lợi các bên. Doanh nghiệp này, tổng công ty nọ triển khai dự án khu đô thị, nhà ở cao cấp… thì chúng ta thấy nhiều rồi. Nhưng triển khai một dự án nhà ở xã hội được Nhà nước quan tâm, được xã hội đồng thuận thì vẫn ít.
* Sau rất nhiều lời hứa “chúng tôi sẽ xem xét”, cá nhân ông có lúc nào nghĩ rằng cần có động thái “bôi trơn” nào đó đối với dự án của các ông?
Cái đó chúng tôi không thể đặt ra, bởi vì chúng tôi không được phép làm việc đó. Và mô hình này cũng không có kinh phí để làm việc đó. Hơn nữa, tăng chi phí về đất sẽ ảnh hưởng đến giá nhà, nhiều ý nghĩa tốt đẹp của mô hình nhà cho người thu nhập thấp sẽ mất đi.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy