Ông Phạm hữu Thắng, Cục trưởng cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết trong năm 2008, chọn ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ cao và phát triển nguồn nhân lực, coi đây là trọng tâm của các chương trình vận động đầu tư nước ngoài. Về đối tác, dự kiến các hoạt động xúc tiến đầu tư tập trung vào các địa bàn trọng điềm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu.
Sáng 26-10, tại hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực phía Bắc, ông Lê Trạng, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, cho biết chi phí đất đai mặt bằng sản xuất ở Việt Nam quá cao so với các nước láng giềng, về việc tìm được khu sản xuất khoảng 40ha với giá cả như hiện nay tại các đô thị như Hà Nội, TP. HCM là điều rất khó khăn. Chính vì thế chúng ta đã tuột mất một số dự án
Sức hút của WTO
Cũng theo ông Trạng, hiện nay hầu như tuần nào cũng có ít nhất một đoàn doanh nghiệp Đức đến Việt Nam để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Họ đã và đang đến với chúng ta nhưng để họ dừng lại và làm ăn với chúng ta hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của chính phủ và các địa phương. Cũng vậy, Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam (KOTRA) cho biết tính từ mấy tháng gần đây, Hàn Quốc đứng đầu danh sách các nước có số vốn đầu tư vào Việt Nam. Cuộc khảo sát các doanh nghiệp Hàn Quốc đang làm ăn tại Việt Nam do KOTRA thực hiện chũng cho thấy: 94% các doanh nghiệp nhận định rất tích cực. Tuy nhiên, chỉ có gần 50% các doanh nghiệp hài lòng về việc đầu tư vào Việt Nam. Giải thích về điều này, KOTRA cho rằng đây chính là thành quả từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Tại diễn đàn doanh nghiệp thủ đô các nước ASEAN diễn ra tại Hà Nội, ông Peter Ryder, Tổng giám đốc Indochina Capital, đã nhấn mạnh rằng Việt Nam là thị trường cuốn hút và đang nổi lên. Đánh giá về sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại Việt Nam, ông Peter cho biết ngay sau khi là thành viên của WTO, sức hấp dẫn của Việt Nam tăng lên rất nhiều. Điều đó thể hiện ở sự cam kết thông suốt của chính phủ Việt Nam cũng như các địa phương.
Hấp dẫn nhất là thị trường tài chính bất động sản. Điều này thể hiện ở việc thị trường vốn đang bùng nổ suốt 18 tháng qua với hơn 2.00 công ty niêm yết. Trong tương lai, thị trường tài chính còn rất nhiều tiềm năng với mức tăng trưởng không thấp hơn 100%. Ông Peter còn khẳng định thêm chắc chắn năm năm nữa, các nhà đầu tư sẽ đến Việt Nam rất đông. Tổng số vốn thu hút đầu tư nước ngoài mỗi năm đạt 13 tỷ USD là rất có thể.
Bị tuột nhiều dự án
Với hai dự án lớn thuộc lĩnh vực bất động sản, ông Budiarsa Satrawinata, Tổng Giám đốc Ciputra, cũng khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư thêm một dự án nữa. Và ông Budiasa Satrawinata cũng cho biết sẽ ở Việt Nam lâu dài. Ông Budiasa Satrawinata cũng cho rằng việc giai nhập WTO đã gạt bỏ những nghi ngờ của nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư ở Việt Nam. Việt Nam trở thành nước hấp dẫn thứ hai châu á chỉ sau Trung Quốc. Thế nhưng giá đất ở các đô thị, đặc biệt là ở Hà Nội và Tp.HCM tăng lên thể hiện sự hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Budiasa Satrawinata cũng chia xẻ những khó khăn khiến cho các nhà đầu tư băn khoăn khi đến các thành phố lớn của Việt Nam. Nhất là Hà Nội được xếp hạng 29/140 các thành phố trên toàn thế giới về chi phí tiêu dùng. Điển hình là, giá thuê nhà ở Hà Nội đắt hơn cả Berlin (Đức), Singapore... Đây là vấn đề của các nước đang phát triển, phải chấp nhận những trở ngại này. Mặc dù vậy, chính phủ Việt Nam nên có chính sách cứng rắn để đảm bảo độ yên tâm cho các nhà đầu tư khi đã đến và rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam, ông Budiasa Satrawinata khuyến nghị.
Theo Pháp Luật