Những câu chuyện kể dưới đây là thực tế đã xảy ra cho các đội thi công của Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 1. Có thể xem như những ví dụ tiêu biểu từ việc không rõ những gì ở dưới đất.
Câu chuyện 1
Gói thầu xây dựng cống bao nhánh – gọi tắt là gói thầu C - của dự án có mục đích xây dựng 32 giếng tách dòng dọc kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, kích thước 4x5m, độ sâu mỗi giếng từ 4 - 12m và khoảng 4.625m cống bao nhánh đi qua hàng loạt tuyến đường trung tâm như Nguyễn Văn Cừ đoạn từ Bến Chương Dương đến Hàm Nghi và Trần Hưng Đạo, Nguyễn Cảnh Chân, Tôn Thất Đạm, Hồ Tùng Mậu, Pasteur - Nguyễn Công Trứ - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đề Thám - Cô Bắc - Nguyễn Thái Học…
Mục đích là tất cả các cống chung (gồm nước mưa và nước thải) trước khi đổ ra kênh Tàu Hũ - Bến Nghé phải qua hệ thống giếng tách dòng để tách nước sạch với nước thải. Nước sạch đổ ra kênh Tàu Hũ - Bến Nghé còn nước thải từ giếng tách dòng sẽ đưa ra hệ thống cống bao chính qua một hệ thống cống bao nhánh nối kết.
Vấn đề phát sinh khi thi công tuyến cống bao nhánh trên đường Trần Đình Xu quận 1 thì… bất ngờ vướng một công trình ngầm khác là hệ thống cấp nước. Đến lúc ấy, Ban quản lý dự án phải liên hệ Công ty cổ phần Cấp nước Bến Thành – đơn vị quản lý đoạn ống cấp nước này - để “nhờ” di dời mạng đường ống cấp nước sang vị trí khác, trả mặt bằng cho thi công dự án. Nhờ đối tác có thiện chí nên khó khăn được giải quyết, nhưng bù lại Ban quản lý dự án phải tiêu tốn hơn 100 triệu đồng riêng cho khoản phát sinh này và buộc tạm dừng thi công sơ sơ “chỉ”… 2 tháng!
Câu chuyện 2
Nội dung của gói thầu D thuộc Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 1 là xây dựng và cải tạo tuyến cống hộp, cống tròn thay cống vòm cũ đã không còn đảm bảo tiêu thoát nước trên các tuyến Huỳnh Mẫn Đạt (bắt đầu từ Trần Hưng Đạo), An Dương Vương (đoạn từ Trần Bình Trọng đến Lê Hồng Phong), Trần Bình Trọng (từ Hàm Tử đến Hùng Vương), Châu Văn Liêm (từ vòng xoay Hải Thượng Lãn Ông đến Trần Hưng Đạo).
Việc thi công đã bị “hóc xương” tại tuyến Trần Bình Trọng: hệ thống cống hộp mới cần phải xây dựng lại… bất ngờ nằm chồng lên trên hệ thống thoát nước cũ kỹ. Yêu cầu kỹ thuật đòi hỏi trong suốt thời gian thi công phải làm hệ thống mương thoát nước tạm, thế nhưng đường Trần Bình Trọng chỉ rộng 8m – quá hẹp để thi công loại dự án quy mô lớn như dự án này, đã vậy phía bên trái đường hướng từ Trần Hưng Đạo về Hùng Vương đã có công trình ngầm là mạng lưới cáp điện và điện thoại. Do đó, mương thoát nước tạm buộc lòng phải ở bên phải đường Trần Bình Trọng, sát nách hệ thống cống hộp mới khiến thi công hết sức khó khăn, đặc biệt mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường, nước tràn vào vị trí đang thi công dang dở.
Cứ mỗi lần như thế là công nhân phải làm những công việc “phát sinh”: tát nước ra mới thi công tiếp được. Trưởng phân ban Quản lý dự án Môi trường Nước 1 Đặng Ngọc Hồi cám cảnh than rằng nếu không có những khó khăn bất đắc dĩ ấy, việc thi công sẽ tiết kiệm được cả thời gian (sẽ nhanh gấp đôi) lẫn tiền của (phải chi cho công tác bơm thoát nước mưa, nước triều tràn vào hệ thống cống mới đang làm dang dở).
Câu chuyện 3
Thoát nước, giảm ngập cục bộ cho khu vực Thanh Đa - quận Bình Thạnh, bến Mễ Cốc - quận 8 là “trọng trách” của gói thầu B. Thực tế, các khu vực trũng của Thanh Đa, bến Mễ Cốc 1 và bến Mễ Cốc 2 thường xuyên bị ngập do triều cường, nhất là vào mùa mưa. Để giải quyết, gói thầu B của dự án hướng đến việc thay thế hệ thống cống cũ bằng hệ thống cống mới, cải tạo cửa xả và đặt van ngăn triều để kiểm soát việc thoát nước cùng với xây dựng hồ điều tiết, trạm bơm…
Bài toán đặt ra là việc thi công gói thầu B, đoạn trên đường Mễ Cốc và Lê Hữu Phước thuộc quận 8 đã… bất ngờ bị “ngáng giò” bởi một loạt công trình ngầm đồng nghiệp khác như điện thoại, điện lực, cấp nước và thoát nước. Nhiều công trình ngầm như thế, nay lại thêm công trình ngầm thuộc dự án, vậy nhưng các con đường chỉ rộng… 6m. Điều này giải thích vì sao, công trình thi công mới được chọn vị trí ở giữa đường, buộc phải đào đường bằng tay chứ không thể đưa máy đào đến, đồng nghĩa vừa cực khổ hơn cho công nhân vừa lâu lắc hơn dùng máy đào.
Chưa hết, vừa thi công trong điều kiện khó trăm bề như thế, các nhóm công nhân còn phải kiêm nhiệm luôn việc bảo vệ các công trình ngầm khác trong khu vực tác nghiệp (có thêm chuyện để lo). Chuyện phải đến đã đến, suốt trong thời gian thi công, chỉ trên hai tuyến đường Mễ Cốc và Lê Hữu Phước, anh em công nhân đã nhiều lần lỡ tay làm bể ống cấp nước, phải dừng lại khắc phục tạm trước khi chờ ngành cấp nước xuống sửa chữa. Một chuyên viên cho biết những sự cố này, nhà thầu thi công đều phải oằn lưng ra “đền”, lần ít nhất là 5 triệu và lần nhiều nhất đến 30 triệu đồng.
* * * Những câu chuyện nêu trên không phải là hiếm. Theo Sở Giao thông Công chính, việc thi công các công trình ngầm bị đụng nhau là…chuyện thường bởi nhiều ngành chủ quản cũng không thể nắm rõ mạng lưới ngầm của mình đang nằm dưới đất. Nhất là với những hệ thống được xây dựng từ trước 1975. Rõ ràng, yêu cầu cần có một bản quy hoạch cụ thể cho hệ thống ngầm của thành phố là rất bức thiết.
Viện phó Viện Quy hoạch TPHCM PHẠM THỊ THANH HẢI:
Hiện trạng công trình ngầm của thành phố là… rất ngổn ngang
Là Tổ phó Tổ nghiên cứu xây dựng đề án quy hoạch ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật TP.HCM của Sở Quy hoạch Kiến trúc, bà Phạm Thị Thanh Hải (ảnh) -Viện phó Viện quy hoạch TP.HCM cho biết, hệ thống công trình ngầm của thành phố đang rất ngổn ngang.
Chính vì vậy, tháng 5 - 2007 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì phối hợp với các sở, ngành khác nghiên cứu xây dựng đề án Quy hoạch ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020 để trình UBND TP thông qua vào cuối năm nay. Hiện nay, tổ đã hoàn tất đề cương đề án, đang trình Sở Quy hoạch Kiến trúc xem xét.
* Các bước tiếp theo của công việc này là gì, thưa bà?
- Khảo sát hiện trạng và dựa trên quy hoạch chung của thành phố để làm quy hoạch cho hệ thống ngầm.
* Chắc chắn đây là một công việc vô cùng khó khăn vì như bà nhận định: hệ thống ngầm của thành phố rất ngổn ngang?
- Đúng là vậy. Tuy nhiên, vừa qua các ngành như cấp nước, thoát nước có mời chuyên gia nước ngoài vào đánh giá lại hệ thống của họ. Chúng tôi có thể tham khảo được những kết quả ấy. Ngoài ra, ngành điện lực, điện thoại cũng đang khảo sát để tiến hành thí điểm ngầm hóa một số đoạn đường. Tất cả các thông tin ấy cũng giúp ích cho chúng tôi. Phần còn lại, chúng tôi sẽ phải trang bị máy dò và nhiều thiết bị chuyên môn khác để dò tìm nhằm xác định hiện trạng.
* Chi phí cho công tác làm quy hoạch và thực hiện quy hoạch này ước khoảng bao nhiêu, thưa bà?
- Chúng tôi chưa tính toán cụ thể. Tuy nhiên, vừa qua Ngân hàng Phát triển Châu Á mới chỉ tiến hành khảo sát hệ thống ngầm ở Hà Nội đã tốn hết khoảng 5 triệu - 6 triệu USD. TPHCM rộng hơn Hà Nội rất nhiều, nên chi phí chắc phải cao hơn. Còn về chi phí thực hiện quy hoạch, thực tình tôi chưa hình dung được… Nhưng chắc là rất lớn.
* Với hàng loạt những khó khăn như bà nói, chắc việc lập quy hoạch hệ thống ngầm của thành phố… còn rất lâu?
- Theo Nghị định 41-2007 về xây dựng ngầm đô thị thì các đô thị mới như Thủ Thiêm, Tây Bắc Củ Chi… sẽ phải làm quy hoạch ngầm ngay và thực hiện ngay việc ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, với các đô thị hiện hữu, sẽ phải làm từng bước.
* Cảm ơn bà.
Theo Sài Gòn Giải Phóng