Thị trường căn hộ tại Hà Nội đang có những chuyển biến đáng kể về thanh khoản sau những nỗ lực kích cầu của các chủ đầu tư trong dịp giáp Tết Nguyên đán.
Đây là một chuyển biến mang tính chu kỳ, bởi thông thường 1 - 2 tháng trước Tết là quãng thời gian được các doanh nghiệp, giới đầu tư mong đợi nhất, khi mà nhu cầu “tậu nhà đón tết”, cho dù chưa thể vào ở ngay vốn vẫn được không ít người xem như là một thói quen từ nhiều năm nay.
Chung cư bớt khó
Trái với phân khúc đất thổ cư dường như vẫn kéo dài sự trầm lắng, thị trường căn hộ chung cư tại Hà Nội trong vòng hơn một tháng trở lại đây đã có những chuyển biến đáng kể. Một số sàn giao dịch bất động sản đã bắt đầu có nhiều việc để làm, đăng tin tuyển thâm nhân viên kinh doanh…
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong quý cuối cùng của năm 2013, thị trường đã ghi nhận 1.161 giao dịch thành công với tổng giá trị hơn 3.200 tỷ đồng. Số lượng tồn kho ở phân khúc thấp tầng và căn hộ chung cư đã giảm trên 20% - một tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản sau suốt hơn 2 năm suy giảm.
Tuy nhiên, trên thực tế, để có thể cải thiện được thanh khoản trong thời gian ít ỏi cuối năm, một số chủ đầu tư đã phải tung khá nhiều “chiêu”, từ khuyến mại, giảm giá, hỗ trợ lãi suất…thậm chí đến “chiêu” mạ vàng lan can như dự án Hòa Bình Green City.
Một số dự án có tính thanh khoản cao như CT3 Cổ Nhuế, khoảng 500 căn hộ đã bán hết sau các đợt mở bán; chung cư Resco Cổ Nhuế, Tây Hà Tower… cũng được giao dịch khá mạnh. Ở phân khúc cao cấp, dự án Thăng Long Number One sau 1 tháng mở bán đã có gần 80 giao dịch thành công.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty Hòa Bình, với việc đầu tư khoảng hơn 20 triệu đồng cho mỗi căn hộ để mạ vàng lan can, chỉ sau một tháng triển khai bán hàng, thanh khoản của căn hộ Hoa Binh Green City đã tăng nhiều lần so với nhiều tháng trước đó.
Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng tung ra gói căn hộ xây thô với mức giá chỉ từ 20,5 triệu đồng/m2, rẻ hơn 5 triệu đồng/m2 so với căn hộ hoàn thiện nhằm “chiều lòng” những khách hàng khó khăn về tài chính.
Ông Vũ Cương Quyết, Giám đốc Công ty Đất Xanh miền Bắc, cho hay thanh khoản trong 2 tháng cuối năm như thường lệ sẽ tăng đáng kể. Tuy nhiên, nó cũng xảy ra với những dự án về cơ bản đã hoàn thiện nhà, hạ tầng và người dân có thể nhận bàn giao nhà chỉ trong một đến hai tuần.
Các sàn phải “xuống tiền”
Với các chủ đầu tư bất động sản, việc thị trường khó khăn cũng đồng nghĩa với việc đồng vốn đầu tư của họ không thể quay vòng nhanh được. Sau hàng loạt chiêu thức vốn đã khá quen thuộc trong vài năm qua như tặng quà, khuyến mại, một số chủ đầu tư hiện nay đang phải tính đến việc chia sẻ lợi nhuận với các đơn vị bán hàng. Không ít thỏa thuận với các đơn vị bán hàng trong việc tăng chiết khấu, hoa hồng cho các sàn giao dịch bất động sản, miễn sao đẩy nhanh tốc độ bán hàng đã được các chủ đầu tư áp dụng.
Tuy nhiên, đổi lại, các sàn giao dịch bắt buộc phải “xuống tiền” để ôm trọn từ 2 – 3 sàn hoặc từ 20 – 30 căn hộ, thay vì chỉ đặt cọc dăm ba tỷ đồng như trước đây.
Theo tìm hiểu của VnEconomy, một số dự án chung cư có tốc độ bán hàng khá tốt trong một vài tháng trở lại đây như CT2 Trung Văn, Golden West, Hoà Bình Green City…thì đều do các đơn vị bán hàng đã “xuống tiền” trực tiếp cho chủ đầu tư.
Dù không tiết lộ con số cụ thể, song các đơn vị bán hàng như Đất Xanh, Hoàng Vương, Phú Quý Land, G5…đều phải chi ra từ 50 - 100 tỷ đồng để có thể gần như trở thành nhà đầu tư thứ cấp tại một số dự án.
Sau khi đã bỏ tiền túi vào các dự án, trách nhiệm tìm kiếm khách hàng của các sàn giao dịch, các công ty kinh doanh tất nhiên là phải nặng nề hơn trong việc tìm kiếm, lôi kéo khách hàng đến với dự án mà họ đang bán.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Phú Quý Land cho biết, dự án CT2 Trung Văn của Công ty Vinaconex 3 được xây dựng đến giai đoạn cuối cùng nhưng chủ đầu tư hoàn toàn không có một chiến lược bán hàng cũng như quảng bá nào đáng kể. Chỉ đến khi doanh nghiệp này “nhảy” vào và trở thành đơn vị bán hàng trực tiếp thì thanh khoản tại dự án đã thay đổi một cách nhanh chóng.
“Bất động sản hay bất kỳ một lĩnh vực nào khác cũng đều cần có kỹ năng ở tất cả các khâu. Dự án của anh tốt nhưng kỹ năng bán hàng không có thì sẽ không ai biết đến tìm hiểu, mua bán. Với một số dự án mà chúng tôi đang ôm vào để bán, giá không những không giảm mà còn tăng chút ít cũng nhờ vào chiến lược tiếp thị của công ty”, ông Hà nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Hoàng Vương, cho biết doanh nghiệp vừa chi hàng trăm tỷ đồng để “ôm” số lượng lớn căn hộ tại Hòa Bình Green City, cho biết, ngay sau khi chủ đầu tư tiến hành mạ vàng toàn bộ lan can tòa nhà và có nhiều ưu đãi về giá bán, doanh nghiệp này đã “nhảy vào” dự án này vì nhận thấy giá bán hợp lý, chỉ từ 20,5 triệu đồng/m2 nên triển vọng kinh doanh khả quan..
“Chúng tôi chọn Hòa Bình Green City vì nhiều yếu tố, từ mức giá hợp lý cho tới việc căn hộ có lan can mạ vàng cũng như cam kết trả tới 120% giá trị đầu tư sau 3 năm nếu nhà đầu tư không muốn đầu tư tiếp. Đặc biệt, do nguồn cung các dự án căn hộ nội đô đang dần cạn”, ông Trung cho biết.
Đại diện một số sàn bất động sản khác như G5, Đất Xanh… cho hay, để đón đầu xu hướng thị trường khởi sắc trở lại, hầu hết các đơn vị bán hàng đều phải chấp nhận chi ra một khoản vốn không nhỏ. Còn lựa chọn dự án là do đánh giá và nhìn nhận của mỗi sàn, tuỳ theo tiêu chí về giá cả, tiện ích, vị trí của dự án hoặc mối quan hệ với các chủ đầu tư trước đó.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy