Top

Đường rộng trên 20 m được xây nhà 8 tầng

Cập nhật 22/10/2008 01:00

Căn cứ vào lộ giới từng tuyến đường, người dân sẽ biết được tầng cao, khoảng lùi, mật độ xây dựng công trình...

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM và 23 quận, huyện (trừ quận 1 do đang chờ thiết kế đô thị khu trung tâm TP) đã thống nhất được danh sách các tuyến đường thương mại - dịch vụ (TM-DV) của từng quận, huyện. Đây là một trong ba yếu tố tăng tầng cao theo Quyết định 135/2007/QĐ-UBND về kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu của TPHCM.

Khu trung tâm, trục đường thương mại được thêm tầng

Theo Quyết định 135, số tầng và chiều cao nhà liên kế phụ thuộc vào lộ giới. Căn cứ vào lộ giới từng tuyến đường, người dân sẽ biết được tầng cao, khoảng lùi, mật độ xây dựng công trình..., không cần xin thông tin quy hoạch như trước đây.

Cụ thể, lộ giới trên 20 m thì số tầng cao cơ bản tối đa là 5 tầng (tính luôn trệt). Còn từ 12 m đến nhỏ hơn 20 m được xây tối đa 4 tầng. Từ 6 m đến dưới 12 m được xây 4 tầng. Dưới 6 m chỉ cho xây 3 tầng.

Ngoài số tầng cơ bản, có 3 yếu tố tăng tầng cao là: thuộc khu vực quận trung tâm TP hoặc trung tâm cấp quận (thêm 1 tầng); thuộc trục đường TM-DV (thêm 1 tầng); lô đất xây dựng lớn (tối thiểu là 150 m2, chiều ngang ít nhất là 6,6 m - thêm 1 tầng).

Các trục đường TM-DV được xác định theo các tiêu chí: thuộc khu vực trung tâm TP, trung tâm quận, huyện hoặc là trục giao thông quan trọng nối liền các trung tâm khu vực; là trục đường tập trung các hoạt động TM-DV; có chiều rộng lòng đường bảo đảm làn ô tô đậu và lưu thông, có vỉa hè đủ rộng để đậu xe máy và người đi bộ lưu thông.

Như vậy, sau khi cộng thêm yếu tố ưu tiên, nhà giáp đường có lộ giới trên 20 m có thể cao tối đa 8 tầng (kể cả trệt). Từ 12 m đến dưới 20 m được xây tối đa 7 tầng (tầng 7 có khoảng lùi). Từ 6 m đến dưới 12 m cao tối đa 6 tầng (tầng 6 có khoảng lùi). Dưới 6 m có thể cao tối đa 4 tầng (tầng 4 có khoảng lùi).

Những tuyến đường "ưu tiên cao"


Trước đây có ý kiến băn khoăn: "Nếu áp dụng Quyết định 135 thì quận nào cũng có đường được xây cao. Như vậy TP sẽ không có điểm nhấn". Tuy nhiên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng: "Việc cộng thêm tầng cao là xét trên đặc thù nhà liên kế của TPHCM, nơi người dân vừa ở vừa kinh doanh. Cũng không cần lo lắm về điểm nhấn vì TPHCM theo khuynh hướng đa trung tâm. Quy định trên sẽ làm không gian TP vừa cao ở khu trung tâm quận 1, 3 vừa lan qua trung tâm của các quận, huyện khác".

Quận 6 là quận có nhiều tuyến đường TM-DV nhất: 32 đường. Có thể kể tên một số tuyến đường rộng trên 20 m của quận này là: đại lộ Đông Tây (từ Ngô Nhân Tịnh chạy suốt tuyến quận 6, rộng 42 m), Hồng Bàng (từ Nguyễn Thị Nhỏ - Kinh Dương Vương, rộng 40 m), Kinh Dương Vương (từ Hồng Bàng - An Dương Vương, rộng 40 m), Tháp Mười (từ Ngô Nhân Tịnh - Phạm Đình Hổ, rộng 30-40 m), Ngô Nhân Tịnh (từ Lê Quang Sung - đại lộ Đông Tây, rộng 40 m).

Tiếp đến là quận 5 với 29 tuyến đường "ưu tiên cao" như: Hồng Bàng (từ Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Thị Nhỏ, rộng 40 m), Nguyễn Văn Cừ (từ Công trường ngã 6 - Bến Hàm Tử, rộng 40 m), Trần Phú (từ công trường ngã 6 - Trần Hưng Đạo, rộng 30 m), Trần Hưng Đạo (với các đoạn Nguyễn Văn Cừ - An Bình rộng 30 m, đoạn An Bình - Ngô Quyền rộng 22 m, đoạn Ngô Quyền - Học Lạc rộng 17 m), Nguyễn Tri Phương (đoạn Nguyễn Chí Thanh - Bến Hàm Tử rộng 30 m), Châu Văn Liêm (từ Hồng Bàng - Hải Thượng Lãn Ông, rộng 36 m), Hải Thượng Lãn Ông (từ Ngô Nhân Tịnh - Trần Văn Kiểu, rộng 45 m)...

Một quận mạnh về TM-DV khác là quận 10 cũng có các tuyến đường lớn như: Ba Tháng Hai (từ Lý Thường Kiệt - Cách Mạng Tháng Tám, rộng 30 m), Lý Thái Tổ (từ Ba Tháng Hai - Nguyễn Đình Chiểu, rộng 40 m), Lý Thường Kiệt (từ Ba Tháng Hai - Tô Hiến Thành, rộng 30 m)...

Ngoài ra, trong khu trung tâm TP hiện hữu, trừ quận 1 chưa xác định các trục đường TM-DV, quận 3 được quan tâm hàng đầu do là khu vực phát triển "nóng". Một số tuyến đường chính của quận 3 là: Cách Mạng Tháng Tám (từ Nguyễn Thị Minh Khai - đến giáp ranh quận Tân Bình, rộng 35 m), Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ Ngã 6 Cộng Hòa - Trương Định rộng 35 m và đoạn từ Hai Bà Trưng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa rộng 35 m), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ cầu Công Lý - Nguyễn Thị Minh Khai, rộng 30 m)...

Dưới 15 m2 chỉ được sửa chữa theo hiện trạng

Theo Quyết định 135, lô đất đủ chuẩn để cấp phép xây dựng phải có diện tích tối thiểu 36 m2, chiều rộng từ 3 m trở lên.

Tuy nhiên, nếu không đủ chuẩn vẫn được xem xét cho xây dựng tùy theo vị trí mặt tiền đường hay hẻm. Với mặt tiền đường: nếu lô đất dưới 15 m2 hoặc chiều rộng nhỏ hơn 3 m thì chỉ được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng, không được xây mới. Lô đất diện tích từ 15 m2 đến dưới 36 m2 và chiều rộng từ 3 m trở lên được cải tạo, sửa chữa theo số tầng hiện hữu hoặc xây mới tối đa hai tầng (cao không quá 13,4 m).

Đối với trong hẻm, lô đất dưới 15 m2 nếu có chiều rộng mặt tiền nhỏ hơn 3 m chỉ được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng, không được xây mới; nếu chiều rộng nhà trên 3 m thì được xây mới 1 tầng (cao không quá 8,8 m). Lô đất từ 15 m2 đến dưới 36 m2, nếu có chiều rộng trên 3 m được xây mới tối đa 3 tầng (không quá 15,6 m).


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc NLĐ