Với 38 doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế hàng nội thất ở Singapore (IFFS) từ ngày 9-12.3, ngành đồ gỗ Việt Nam đã khẳng định vị trí của mình trong những quốc gia mạnh về ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, ngay chính những "người trong cuộc" đã bộc bạch với Báo giới về nhiều yếu kém của ngành mình.
Thiếu nguyên liệu, thiếu liên kết
Ông Võ Trường Thành, Giám đốc Công ty đồ gỗ Trường Thành, cho biết ngành này hiện nhập đến 80% nguồn gỗ từ nước ngoài. Riêng Trường Thành, tỷ lệ nhập khẩu lên đến 90%, từ châu Phi, Nam Mỹ... Với tỷ trọng nhập khẩu cao như thế, sản xuất khó có thể tính đến tỷ suất lợi nhuận cao, chứ chưa kể đến tính bền vững. Ông nói đó là một điều rất đáng để suy nghĩ. Từ đầu thập niên 1990, Chính phủ có chủ trương "đóng cửa rừng". Chương trình trồng 5 triệu ha rừng là một ý tưởng rất hay, nếu làm tốt, chúng ta có đủ nguyên liệu cho ngành đồ gỗ.
Tuy nhiên, đã không ai tính đến ngành gỗ, nên chỉ trồng cây tràm bông vàng và bạch đàn cho ngành giấy là chính. Mặt khác, cơ chế thực thi là một sai lầm lớn khi Nhà nước giao việc trồng rừng cho những đơn vị quốc doanh địa phương mang nặng tính lợi ích cục bộ; tiếp theo là chính sách "xã hội hóa" bằng cách giao đất cho người nghèo. "Người nghèo phải lo miếng ăn từng ngày, làm sao có thể đợi 10 - 15 năm đến ngày thu hoạch cây gỗ! Họ cần cái gì đó ngắn hạn hơn" - ông Thành phân tích. Đến nay, chúng ta có được khoảng 2,2 triệu ha rừng trồng, nhưng chất lượng nhìn chung là kém. Ông Thành nói kinh nghiệm ở các nước trồng rừng thành công cho thấy, phải giao việc này cho tư nhân có vốn lớn.
Tại IFFS, Thanh Niên đã nói chuyện với nhiều người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực đồ gỗ, tất cả họ thừa nhận Việt Nam có kỹ năng làm đồ gỗ tốt hơn Trung Quốc và Indonesia, hai quốc gia đang xếp trên Việt Nam trong ngành công nghiệp này. Nhưng xét về khả năng cạnh tranh, chúng ta thua hẳn. Cái thua lớn nhất là không đáp ứng được những đơn đặt hàng lớn.
Tôi đã hỏi 7 doanh nghiệp lớn nhỏ của Việt Nam tham gia IFFS, tất cả họ đều thừa nhận từng từ chối nhiều đơn đặt hàng, vì không đủ khả năng đáp ứng được số lượng, nhưng cũng không liên kết với các doanh nghiệp khác để cùng chia sẻ đơn hàng. Các doanh nghiệp này giải thích họ không tin tưởng các doanh nghiệp khác, nếu liên kết doanh nghiệp kia không làm đúng mẫu mã và chất lượng như mình thì sẽ mất khách. Thậm chí, có doanh nghiệp sợ cả việc liên kết với chính những doanh nhân là anh em ruột họ.
Ông Thành thừa nhận đó là một yếu kém của doanh nghiệp. Có doanh nghiệp nhận hợp đồng lớn và tự mình xoay xở cho đến khi nhận ra không thể kham nổi mới bổ nhào đi tìm đơn vị liên kết, khi ấy thì quá muộn.
Thiếu liên kết, yếu điểm lớn nhất
làm giảm sức cạnh tranh của đồ
gỗ VN trên thị trường quốc tế
Vai trò các hiệp hội chế biến gỗ ở đâu? Ông Thành cho biết, vai trò của hiệp hội rất mờ nhạt. Điều này trùng khớp với nhận định của ông Dragan Mladenovik, người Ý, Tổng giám đốc Công ty Rare Dragan chuyên sản xuất đồ gỗ cao cấp ở Thủ Đức, nay dời về Tây Ninh.
Ông Dragan nói rằng có lần ông và vợ (người Việt) đến dự một hoạt động của Hiệp hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ TP.HCM (HAWA), và thấy nó "vô bổ". "Lẽ ra, nó phải là cầu nối tăng cường liên kết và điều tiết để làm tăng sức mạnh của ngành đồ gỗ Việt Nam" - ông nói và lấy ví dụ Cebu Furniture Industries Foundation (Philippines) là một tổ chức như thế. Còn ông Lê Duy Linh, Giám đốc Công ty Mỹ Tài ở Bình Định, thành viên Ban điều hành HAWA, cho biết Hiệp hội có vai trò cung cấp thông tin rất lớn, nhưng chính các thành viên không tôn trọng Hội.
Chưa thấy được giá trị của mình Những người nước ngoài hoạt động trong ngành đồ gỗ tại Việt Nam thường nói đến khái niệm "niche", tạm hiểu là thị trường đặc biệt dành cho một số đối tượng nhất định, không đại trà. Họ nói người Việt Nam có những phẩm chất để làm ra những sản phẩm giá trị cao, dành cho những khách hàng cao cấp với nhu cầu rất lớn, dù rằng số lượng yêu cầu trên mỗi đơn hàng không nhiều. Nhưng nhiều doanh nghiệp không nhận ra thế mạnh của mình, chạy theo số lượng và sản xuất đại trà, bán hàng giá rẻ ở những nơi bình dân, lợi nhuận thấp, vô tình làm giảm giá trị của mình, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp Trung Quốc vốn giỏi sản xuất hàng loạt, chất lượng thấp, giá rẻ.
Tôi hỏi vị giám đốc người Ý về cái tên "Rare Dragan", ông cười bảo đó là tôn chỉ của ông: tạo ra sản phẩm giá trị cao và hiếm (rare). Dragan cho biết ông có showroom ở quận 2 (TP.HCM), ở Ý, Mỹ... và năm nào ông cũng tham dự IFFS. Khách hàng mới tìm đến ông rất nhiều, nhưng "tôi chỉ chọn những khách hàng mà tôi thích".
Với lực lượng công nhân chỉ khoảng 200 - 250 người làm ra sản phẩm tỉ mỉ toàn bằng tay, số lượng không nhiều, Dragan rất tự tin với chiến lược kinh doanh của mình và được khách hàng ngưỡng mộ. Dragan khuyên các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam tập trung vào quy mô gia đình và tạo ra những sản phẩm giá trị cao như thế.
Vật vã thời lạm phát và đồng đô la mất giá Cũng như những ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao khác, ngành đồ gỗ đang đánh vật để tồn tại với sự tăng giá của nguyên vật liệu, sự giảm giá của đồng đô la Mỹ. Ông Lê Xuân Hảo, Giám đốc Công ty Thịnh Việt ở Bình Dương, nói rằng doanh nghiệp ông mất đi khoảng 200 - 300 triệu đồng mỗi tháng trong thời gian gần đây. Với đà này e rằng nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản.
Còn ông Lê Duy Linh nói rằng động tác tăng lãi suất mới đây của các ngân hàng có thể làm "chết" doanh nghiệp xuất khẩu, bởi không thể theo đó tăng ngay giá sản phẩm lên 10% đối với những khách hàng cũ. Còn ông Hảo cho rằng Chính phủ phải điều chỉnh các chính sách như giảm thuế. Điều này được tất cả các doanh nghiệp chia sẻ.
Theo Thanh Niên