Top

Dò đáy thị trường bất động sản

Cập nhật 05/11/2008 16:00

Có ý kiến cho rằng đáy của thị trường bất động sản (BĐS) chính là giá về với giá vốn mà nhà đầu tư đã bỏ ra, ý kiến khác nói đáy là giá khởi điểm ở thời điểm thị trường chưa lên cơn sốt cuối năm 2007, có ý kiến cho rằng đáy là giá mà người mua chấp nhận bỏ tiền ra mua. Lại có người cho rằng, thị trường bất động sản đang… "không có đáy"!

Mò kim đáy biển!

Ông Trần Việt Dũng, Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần BĐS TÔGI chi nhánh TP.HCM cho rằng, thị trường BĐS phải giảm đến vài chục phần trăm nữa mới chạm đáy.

Là công ty chuyên định giá BĐS, ông Dũng cho rằng với giá BĐS hiện nay, các nhà kinh doanh BĐS vẫn còn lãi rất cao. Ông nói giá BĐS hiện nay đã đi quá xa giá khởi điểm ở thời điểm nhà đầu tư đưa hàng ra bán.

Vậy nên, mặc dù đã giảm từ 40 đến 60%, BĐS còn phải giảm thêm một nửa của giá hiện tại, may ra giá BĐS mới tiệm cận về đáy.

Anh Lê Văn Nam ở quận Tân Bình, cho rằng đáy của BĐS là giá lúc trước cơn sốt cuối 2007 đầu 2008. Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Dũng, điều này cũng khá khó xác định, vì trước đó, những năm 2005 đến 2007 vẫn có những cơn sốt. Tuy sau sốt có hạ giá trở lại, nhưng vẫn không bao giờ hạ xuống thấp bằng lúc trước sốt, mà luôn luôn lập mặt bằng mới cao hơn.

Thế nên có ý kiến cho rằng đáy của BĐS chính là giá ban đầu từ nhà đầu tư đưa ra bán cho khách hàng.

Tuy nhiên, giám đốc một công ty địa ốc cho rằng không thể lấy giá khởi điểm để bán vào lúc này, vì giá vàng từ những năm 2006 đến nay đã tăng có khi gấp đôi. Giá vật liệu xây dựng và tất cả những lĩnh vực khác đều tăng, đã lập ra một mặt bằng giá mới.

Khác với các ý kiến trên, Thạc sĩ Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, cho rằng BĐS không có đáy!

“Đáy của thị trường BĐS chính là mức giá mà có người chấp nhận mua, dù với giá đó, nhà đầu tư có thể lỗ”, ông nói.

"Cứu" thị trường bằng cách nào?


Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Trưởng khoa Ngân hàng ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng gói giải pháp kích hoạt thị trường BĐS phải bắt đầu bằng chính sách tiền tệ. Theo vị tiến sĩ này, ngoài kênh huy động vốn là thị trường chứng khoán, cần phải hỗ trợ, mở cửa tín dụng trở lại. Với các chính sách nới lỏng vừa qua, hiện ngân hàng đã có tiền và đã có thể cho vay.

Ý kiến này trùng với các ý kiến tại buổi làm việc giữa Hiệp hội BĐS TP.HCM với Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia hôm 30/10 vừa qua. Tại buổi làm việc này, các ngân hàng cũng cho biết, có thể mở cửa cho vay lại.

Kể cả ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank), khuyên các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đừng quá trông chờ vào ngân hàng, tuy nhiên ông nói cũng sẵn sàng hỗ trợ để giúp thị trường BĐS thoát khỏi tình trạng nan giải hiện nay.

Tuy nhiên cũng có ý kiến ngược lại, cho rằng chống lạm phát vừa mới có hiệu quả bước đầu, nếu tiếp tục bơm tiền, e rằng nỗ lực trước đây trở nên vô nghĩa.

Thạc sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, sở dĩ BĐS hiện nay bị đóng băng là do người kinh doanh không chịu hạ giá. Vì vậy, nếu thấy đóng băng mà đưa thêm tiền vào, có nghĩa tiếp sức cho BĐS giữ giá quá cao so với năng lực mua của người có nhu cầu.

Ông Hiển lập luận: hiện nay thị trường đã thiết lập mặt bằng giá mới ở vàng và tất cả các lĩnh vực nên BĐS cũng không thể hạ thấp là không đúng, mà vì người kinh doanh BĐS không chịu lỗ.

“Giá nhà đất của Mỹ 5 năm từ 2002 đến 2007 tăng 57%, và hiện nay đã xuống thấp hơn 2002. Còn Việt Nam cũng trong khoảng thời gian ấy BĐS tăng giá 500%, vậy không cớ gì không chịu hạ giá”.

Theo ông Hiển, cứu thị trường không có nghĩa chỉ một biện pháp là bơm tiền, không khéo sẽ lại thổi bong bóng, và lặp lại bài học ngân hàng và BĐS Mỹ.

Có thể có cách cứu khác, chẳng hạn Chính phủ mua lại các khoản lỗ hoặc các DN BĐS thua lỗ, với một giá chấp nhận được. Như vậy thị trường vẫn được giữ lại, ngân hàng không phải chịu gánh nặng nợ quá hạn, Nhà nước không bị rủi ro, mà ngân sách cũng không bị thiệt.

“Kinh doanh thì phải dám chấp nhận rủi ro, thua lỗ, không thể vì lĩnh vực của mình quan trọng, nhạy cảm mà không chịu mất”, ông nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet