Khi thị trường bất động sản lặng sóng thì câu chuyện nhà tập thể (NTT) cũ lại được nhắc tới nhiều hơn, không phải bởi nhà chung cư đang cung vượt cầu thì những hộ dân đang sống trong các NTT cũ sẽ có cơ hội được đổi nhà.
Biết rồi, cứ nói mãi!
Trên địa bàn hai phường Giảng Võ và Thành Công có hàng chục dãy NTT cũ được xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước đang ở tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, tình trạng nhiều khu NTT đang ở cấp báo động cần sớm được di dời dân để cải tạo. Toàn bộ công trình đã bị lún nghiêng hẳn về một đầu; có nhiều vết nứt rộng từ 4 - 10cm ở các góc tường và khu vực cầu thang lên xuống; những cột sắt được các cơ quan chức năng gia cố ở cầu thang lên xuống bị ngả nghiêng, hoen gỉ, có phần bị lấy cắp từ lâu; trần nhà bong tróc nhiều mảng lớn; hệ thống thoát nước và khu vực vệ sinh thì vô cùng thảm hại ngồi tắm giặt ở trong nhà mà không khác gì ngồi ở ngoài trời mưa tí tách. Mỗi khi nhà tầng trên xả nước sẽ kéo theo toàn bộ các nhà từ tầng 4 xuống tầng 1 nước chảy lênh láng ra phòng, nước ngấm và rỉ từ bờ tường, từ trần nhà xuống. Chưa hết, các hộ dân sống ở đây “thi nhau” cơi nới, cải tạo, lấn chiếm không gian để mở rộng diện tích sử dụng. Chính vì vậy đã xuất hiện những “chiếc ba lô” quá tải ngày càng nhiều nằm chênh vênh “thi gan cùng tuế nguyệt”, phó mặc sự nguy hiểm ở mỗi NTT cũ.
Thực tế cho thấy, ở các NTT cũ xuất hiện cảnh “mạnh ai nấy cơi nới”, rất vô tổ chức và thiếu an toàn. Thông thường, nhà cơi nới sau làm to hơn nhà làm trước, chủ đến sau đục và khoét tường “tàn bạo” hơn người ở trước mặc cho 4 bức tường nứt toác, nghiêng ngả. Đó là bức tranh toàn cảnh ở NTT cũ Giảng Võ, Nghĩa Tân, Vũ Ngọc Phan... Không chỉ dừng ở đó, tại các NTT cũ này, tất cả các hộ dân không chỉ lấn chiếm khoảng không mà còn lấn chiếm hết vỉa hè (đằng trước và đằng sau). Được đà, họ chiếm luôn cả sân chơi dành cho trẻ em, nắp bể nước, bể phốt. Mỗi khi xảy ra sự cố tắc nghẽn phải mất hàng tuần để thông tắc. Mặt khác, điều nguy hiểm hơn ở chỗ, các chủ nhà ở tầng 1 họ lấn chiếm “hết những diện tích có thể” rồi lại quay vào trong nhà đục phá tường, thậm chí cưa bỏ bớt cột trụ của ngôi nhà để mở rộng diện tích sử dụng hoặc cho thuê cũng được giá. Việc làm ngang nhiên ấy diễn ra trong suốt nhiều năm nay mà không thấy các cơ quan chức năng nhắc nhở hoặc cưỡng chế, xử phạt!
Chị Đàm Thị Bích Liên, ở NTT Thành Công không kìm nén được nỗi bức xúc về sự tồi tàn, nhếch nhác và bi đát của NTT: Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên chuyển đến đây ở. Vào thời điểm trước năm 2000, không có chuyện tự ý sửa sang nhà đâu. Nếu ai muốn khoan vào tường để đóng một cái đinh đều phải báo cáo tổ trưởng phụ trách an ninh trật tự của dãy nhà. Nhưng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tình trạng phá tường, sửa sang trở nên vô tội vạ, tùy tiện, cứ ai mạnh người ấy sửa. Nhà có tiền thì “cố vươn” ra để chiếm khoảng không rồi làm “lồng chim” đua ra từ 3 - 4m. Nhà không có điều kiện thì cũng phải cố đua ra từ 2-3m. Vậy là, việc cơi nới, treo lồng ở cả đằng trước và đằng sau - không ai bảo ai đã tạo thành một “phong trào” thi đua sôi nổi, rộng khắp tại các NTT cũ. Chị Liên bức xúc: “Nhiều lần tôi tự hỏi nếu nhà nào cũng cứ tranh nhau lấn chiếm khoảng không liệu khu nhà có thể trụ được bao nhiêu năm? Sự tàn phá không thương tiếc đã biến NTT cũ này chẳng mấy chốc tan hoang và xập xệ đến mức bi thảm như hiện nay. Mọi chỗ đều nứt toác, nước rỉ từ tầng trên xuống tầng dưới, việc đục tường sửa nhà bao nhiêu thứ phế liệu cứ tống thẳng xuống cống thoát nước của gia đình gây nên tình trạng tắc nghẽn nhiều ngày, họ lại phải đóng tiền triệu để thuê người đến thông tắc…”.
Anh Nam Anh, cũng ở Thành Công cho biết: Câu chuyện đập đi rồi sửa lại ở NTT cũ Thành Công này đã trở thành “bài ca không bao giờ quên”. Cứ nhà cải tạo sau lại muốn làm rộng hơn nhà làm trước đó. Họ “hồn nhiên” khoan, cắt, đục tường vô tội vạ mà không cần quan tâm đến độ an toàn của công trình. Nhà tôi ở tầng 1, nhiều khi thấy hàng xóm ở trên đầu đục, chúng tôi có cảm giác như nhà bị đung đưa. Hiện tại nhiều hộ ở tầng 1 ngang nhiên cho cắt bỏ một số trụ để giữ độ an toàn cho ngôi nhà. Tình trạng thi nhau đục đẽo, cơi nới thì chỉ một thời gian nữa là NTT này sẽ sụp đổ. Và khi nó sụp đổ thì hậu quả sẽ rất khó lường. Chúng tôi còn sống ở NTT này ngày nào thì biết ngày đó thôi! Nếu chẳng may dãy nhà mà sập thì thật kinh khủng như những trận “động đất” trong lòng Thủ đô. Chia tay chúng tôi, anh Nam Anh ngao ngán: Dân kêu mãi mỏi miệng, làm đơn mãi mỏi tay mà có thấy kết quả gì đâu! Đời sống của hàng trăm hộ dân ở NTT cũ này đang đứng trước “lưỡi hái tử thần”… buộc phải “sống chung với lũ” chứ biết làm sao!!!”…
Những chuồng cọp như thế này là hình ảnh thường thấy tại các khu NTT cũ ở Hà Nội. Ảnh: H.Thái
|