Top

“Cởi trói” cho M&A bất động sản

Cập nhật 18/01/2016 08:52

Tại TP.HCM, trong tổng số 1.409 dự án, đã có 190 dự án bị thu hồi, hoặc hủy bỏ, hoặc hết hạn chủ trương đầu tư, 502 dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công, là nguồn hàng hóa dự án bất động sản tiềm năng cho hoạt động chuyển nhượng (M&A) sắp tới.

Ảnh minh họa

Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là hoạt động bình thường của thị trường bất động sản, kể cả doanh nghiệp mạnh hoặc doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Để M&A bất động sản sôi động và hiệu quả, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét cho phép chủ đầu tư dự án được phép chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án khi đã giải phóng xong mặt bằng, tạo quỹ đất sạch của dự án.

Vì theo Khoản 2 điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã quy định: “Chủ đầu tư chuyển nhượng đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”.

Quy định điều kiện này đã có phần giảm nhẹ hơn so với Luật Kinh doanh bất động sản 2006, lúc đó đã quy định phải xây dựng xong cơ sở hạ tầng thì mới được chuyển nhượng dự án.

HoREA cho rằng, nếu chuyển nhượng dự án ở các thời điểm sau khi đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc sau khi đã xây dựng cơ sở hạ tầng là theo nhu cầu và thoả thuận của các bên, nhưng tối thiểu là bên chuyển nhượng dự án phải có quỹ đất sạch, và coi chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án là hoạt động bình thường trong quá trình đầu tư kinh doanh bất động sản theo nhu cầu của các doanh nghiệp.

Vì phát triển dự án đầu tư kinh doanh bất động sản là một quá trình, là một chuỗi các hoạt động đầu tư theo nhiều giai đoạn như: Giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch; Giai đoạn quy hoạch, thiết kế; Giai đoạn lập thủ tục và nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng; Giai đoạn đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc theo quy hoạch và thiết kế đã được duyệt để kinh doanh.

Còn chuyển nhượng dự án là hoạt động chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư với nhau, chưa phải là chuyển nhượng sản phẩm cho người tiêu dùng.

Nếu doanh nghiệp bên chuyển nhượng chưa hoàn tất các thủ tục hoặc công đoạn đầu tư, thì doanh nghiệp bên nhận chuyển nhượng dự án sẽ tiếp tục thực hiện hoàn tất các công việc này. Hơn nữa, sau khi nhận chuyển nhượng dự án, có thể doanh nghiệp lại làm thủ tục xin thay đổi quy hoạch dự án, có khi phá bỏ hạ tầng cũ để xây dựng lại theo mục tiêu kinh doanh của mình thì rất lãng phí của cải xã hội.

Doanh nghiệp cần được tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh, tự do kinh doanh theo nhu cầu của mình.

DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE