Nhìn những căn nhà nội trú (công vụ) của giáo viên ở các trường vùng núi tỉnh Quảng Bình, không thể nghĩ rằng những người đang mang con chữ đến với vùng cao lại phải sống trong đó. Những căn nhà đều như nhau: rách nát, tồi tàn, gió lùa lạnh thấu xương...
Khu nhà nội trú của giáo viên Trường tiểu học Quảng Minh B (huyện Quảng Trạch) chỉ vỏn vẹn có ba phòng. Mỗi phòng rộng chưa tới 15m2 nhưng có tám giáo viên ở. Trong đó có một nữ giáo viên có con nhỏ và hai giáo viên khác đang mang thai.
Chật chội và tạm bợ
Hầu hết giáo viên ở trường này đều có nhà cách xa trường nên phải ở nội trú. Một nữ giáo viên bộc bạch: “Ở chật thì chịu đựng quen rồi, nhưng khổ nhất là không có nhà tắm. Vì vậy mỗi lần tắm là chúng tôi phải thay phiên nhau người tắm, người đứng ngoài... canh gác. Cũng chẳng có chi hiểm nguy nhưng mà đang tắm lỡ có người tới thì xấu hổ chết”. Vào mùa đông như bây giờ, các cô phải tắm vội tắm vàng trong gió lạnh vùng núi buốt da. Các cô đang lo: mai mốt có thêm hai cháu bé ra đời, không biết phải sơ tán đi đâu cho các cháu có chỗ nằm. Ông Nguyễn Khắc Tiến, hiệu trưởng, cho biết: “Trường đã làm tờ trình gửi các cơ quan liên quan về thực trạng nhà ở nội trú của giáo viên từ nhiều năm qua, nhưng chưa được giải quyết”.
Tại Trường trung học cơ sở Nam Hóa (Tuyên Hóa), nhà ở cho giáo viên chỉ là một ngôi nhà tạm được lợp bằng lá cọ, phên tre nứa che chắn sơ sài, nhiều chỗ đã mục nát. Nhìn qua, căn nhà chẳng khác gì đang nằm chờ thực hiện chương trình... xóa nhà tạm cho hộ nghèo! Những ngày mưa bão, giáo viên phải sơ tán chỗ khác vì sợ nhà sập. Căn nhà là nơi ở của tám thầy, cô giáo được điều lên tăng cường cho miền núi từ các địa phương dưới xuôi như Đồng Hới, Lệ Thủy...
Phía sau nhà ở là những gian bếp tuềnh toàng, bị dột không kém. Không chỉ khổ về nhà ở, giáo viên ở đây còn phải chịu khổ thêm về nước sinh hoạt. Có cô giáo phải áp dụng “phương án” tích trữ quần áo bẩn trong một tuần, sau đó mang về quê giặt. Bà Hoàng Thị Cúc, hiệu phó Trường trung học cơ sở Nam Hóa, buồn lòng: “Dù năm nào trường cũng gia cố nhà ở nội trú nhưng đến nay chúng đã bệ rạc hẳn, không thể gia cố theo hướng nào được nữa. Có ở thì cũng chỉ là ở liều mà thôi, chưa biết sập khi mô”.
Trường tiểu học Phúc Trạch (Bố Trạch) có căn nhà nội trú gồm bốn phòng, trông xa chẳng khác gì mấy cái lán dựng bên đường Hồ Chí Minh cho thợ sửa chữa đường ở tạm. Anh chị em giáo viên ở đây nói vui: “Nhà đã xuống hết cấp rồi, không còn cấp mô nữa để xuống”. Mười giáo viên đang ở chen chúc trong đó. Mỗi lần trời mưa anh chị em phải dùng nilông căng lên để chống dột. Nhiều khi đang lên lớp trời đột ngột đổ mưa, không chạy về kịp là mưa ướt hết đồ đạc.
Tiền lương đã ít, nhưng có cũng không dám mua sắm gì, vì nhà hở hang lung tung thế nên kẻ trộm thường vào bưng sạch đồ dùng. Có cô chắt chiu lương mấy tháng trời mới mua được cái đài để “xóa mù” thông tin, nhưng rồi cũng bị người đi qua trông thấy lấy mất tiêu. Một cô giáo trẻ thổ lộ: “Chúng tôi vẫn dạy học sinh hết lòng. Nhưng điều kiện khó khăn đến vậy cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng giảng dạy. Nhiều khi rất khổ tâm vì tự thấy mình không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu chúng tôi có được chỗ ở nội trú kha khá thì tốt biết mấy...”.
Không chỉ trường Nam Hóa, Quảng Minh B, Phúc Trạch có nhà nội trú cho giáo viên xập xệ, hầu hết nhà nội trú của giáo viên ở những xã miền núi của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh... đều giống nhau ở chỗ: rách nát, tồi tàn, mùa đông gió lạnh lùa buốt sống lưng...
Bao giờ cho đến tháng mười?
Nhà nội trú ở Trường tiểu học
Quảng Minh B.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ Cuối Tuần