Top

Cầu Cần Thơ chờ ngày hợp long

Cập nhật 21/01/2009 09:42

Trở lại công trường cầu Cần Thơ vào những ngày giáp Tết Kỷ Sửu. Trên dòng sông Hậu, hai trụ tháp sừng sững gánh sàn cầu như hai cánh tay khổng lồ đang vươn dài ra sông. Cầu Cần Thơ, chiếc cầu dây văng đẹp, hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á, đang dần hoàn thiện, chờ ngày hợp long.

Trên công trường


Sau khi được phép của Chính phủ Việt Nam, nhà thầu Nhật Bản đã trở lại thi công cầu Cần Thơ từ tháng 9 năm 2008. Ở bờ Bắc cầu Cần Thơ, cái nắng ấm áp dễ chịu của phương Nam vào những ngày cuối năm càng làm cho anh em kỹ sư, công nhân thêm phấn khích, công trường thêm nhộn nhịp.

Công trình cầu Cần Thơ có 3 gói thầu: Gói thầu số 1 là phần đường dẫn phía Vĩnh Long, dài 5,41km. Gói thầu số 2 là phần cầu chính bắc qua sông Hậu có chiều dài 2,75km do nhà thầu Nhật Bản thực hiện với 216 sợi cáp (sợi dài nhất 280m và ngắn nhất 90m, cáp cầu được sản xuất theo công nghệ đặc biệt tại Nhật Bản, bên ngoài cáp được phủ bởi lớp Polyeste chống rỉ). Còn gói thầu số 3 là đường dẫn phía Cần Thơ, dài 7,69 km.

Hiện công trình cầu Cần Thơ đang được nhà thầu TKN Nhật Bản kiểm tra, giám sát rất nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn trong thi công. Sau hơn 5 tháng thi công trở lại, công trình đã đạt khoảng 70% khối lượng công việc. Phần cầu chính bắc qua sông Hậu còn khoảng 340m là hoàn thành.

Hiện nay, với năng suất làm việc của 700 công nhân thì cứ 7 ngày là thi công xong 1 đốt cầu có chiều dài 4m. Nhà thầu Nhật Bản TKN cùng anh em công nhân đang nỗ lực hoàn thành những công việc còn lại theo đúng tiến độ và kế hoạch đã đề ra. Dự kiến, cầu Cần Thơ sẽ hợp long vào cuối năm nay để đến đầu năm 2010 bàn giao và đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Thế Vương, trợ lý tư vấn giám sát cho biết 2 trụ P14, P15 được thi công lại đúng như thiết kế ban đầu, chỉ mở rộng nền móng, thêm 2 cọc để tăng độ an toàn. Theo công nghệ đúc hẫng, bắt đầu từ trụ tháp, sàn cầu đang vươn dài ra mấy chục mét như hai cánh tay xòe 2 bên, vững chãi.

Ông Vương cho biết cứ đúc đến đâu thì căng dây văng từ trụ tháp xuống sàn cầu đến đó để ổn định và tăng độ chịu lực. Hiện công việc trên mặt đất, giàn giáo hay trên sàn cầu đều được kiểm tra chặt chẽ mỗi ngày nhằm tránh sai sót dù là nhỏ nhất; những dấu hiệu khác thường đều được ghi nhận và báo cáo ngay để xử lý.

Kỹ sư Lê Ngọc Anh, phụ trách giám sát khu vực bờ Bắc cho biết: nhờ các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt về an toàn lao động nên rất an tâm làm việc. Nhiều công nhân, kỹ sư người nước ngoài ở đây cũng nói: “Mọi thứ đều ổn”.

Mỹ Hòa hồi sinh

Trở lại Mỹ Hòa, nơi đặt chân cầu Cần Thơ phía bờ Bắc, là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, chúng tôi ghi nhận được sự hồi sinh nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà thầu và tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước.

Ông Trương Văn Lợt, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa cho biết tất cả gia đình các nạn nhân trên địa bàn xã đã nhận được số tiền hỗ trợ khá lớn. Nhiều gia đình đã mua sắm được tư liệu, phương tiện sản xuất và có tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng, ổn định cuộc sống, các con của họ tiếp tục đến trường. Anh Tám Muôn, cán bộ xã Mỹ Hòa, khá am hiểu người dân xã này khẳng định: “Tất cả gia đình nạn nhân đều khá cả rồi”.

Đã có nhiều chương trình phát triển cộng đồng như đường xá, trường học được đầu tư xây dựng khá tốt ở xã Mỹ Hòa. Chúng tôi đi xe gắn máy về ấp Mỹ Hưng. Con đường đất sình lầy những ngày đi cứu trợ trước đây được thay bằng đường bê tông rộng 2 mét phẳng lì, sạch sẽ. Hai bên đường, vườn bưởi xanh um đang khoe trái vàng rực, chuẩn bị thu hoạch bán tết. Tương tự, đường về ấp Mỹ Thới cũng khá thông thoáng, xe gắn máy chở hàng hóa nông sản ra vô nườm nượp.

Điều đáng ghi nhận là chính quyền địa phương đang tìm giải pháp căn cơ lâu dài, chẳng hạn như liên kết làm du lịch sinh thái miệt vườn, làm hàng thủ công mỹ nghệ, lập chợ hay điểm dừng chân ven đường dẫn vào cầu Cần Thơ...; nhằm tạo cho gia đình các nạn nhân có việc làm và thu nhập ổn định, phù hợp với thực tế hoàn cảnh, điều kiện và khả năng của họ hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng