Top

Chung cư cao cấp: Bất đồng về sở hữu chung

Cập nhật 13/10/2008 01:00

Các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư cao cấp không rõ ràng, khiến chủ đầu tư và người dân cư ngụ bất đồng về phần sở hữu chung.

Phần chung của ai?


Sáng 12.10, nhiều hộ dân tại chung cư Botanic Towers (312 Nguyễn Thượng Hiền, P.5, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) lại tập trung để phản ánh các bức xúc của mình. Đại diện cư dân tại đây cho biết: "Vấn đề hiện nay tại chung cư là những dấu hiệu không minh bạch trong việc thu chi các phí dịch vụ, mập mờ trong hợp đồng về những khu vực thuộc sở hữu chung. Các quy định nâng mức thu phí gần đây cũng gây ảnh hưởng đến quyền lợi của đa số cư dân. Chính vì vậy chúng tôi tha thiết yêu cầu có một cuộc họp ban quản trị để nói lên những vấn đề này".

Nhiều cư dân Botanic cũng phản đối việc phải nộp mức phí quản lý 8.000 đồng/m2 bắt đầu áp dụng từ tháng 10 này (truy thu thêm tháng 9). Lý do không nộp mà cư dân ở đây đưa ra là do họ còn thắc mắc về phần sở hữu chung, sở hữu riêng và bảng thu chi hoạt động tại chung cư. Theo ghi nhận của Thanh Niên, mặc dù cư dân tại đây rất bức xúc nhưng một số thành viên chủ chốt trong ban quản trị lại không có mặt trong buổi họp để giải trình. Vì thế những vấn đề cư dân nêu ra đều không được giải quyết thỏa đáng.

Trong khi đó, sau bài báo Cư dân Botanic kêu cứu đăng trên Thanh Niên ngày 10.10, chủ đầu tư dự án - Công ty Phú Hưng Gia đã phản hồi rằng, công ty chỉ cam kết chuyển quyền sử dụng cho khách hàng phần diện tích căn hộ đã mua. Công ty Phú Hưng Gia khẳng định, "được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp toàn bộ chủ quyền chung cư Botanic với tổng diện tích sàn xây dựng là 43.824,97m2. Khi chúng tôi bán cho khách hàng của mình 29.324m2 trên tổng số 268 căn hộ thì phần còn lại đương nhiên thuộc sở hữu của công ty chúng tôi".

Tuy nhiên, phía người sử dụng lại vin vào điều 70 Luật Nhà ở, và Quyết định 08 của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý và sử dụng chung cư, cho rằng "phần sở hữu chung" bao gồm: "a) Phần diện tích nhà còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng; b) Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư, gồm khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, nơi để xe... và các phần khác không thuộc sở hữu riêng của căn hộ nào".

Cư dân SCREC lên tiếng

Nhiều hộ dân ngụ tại cao ốc SCREC (P.12, Q.3, TP.HCM) cũng đã nêu ý kiến về những bất hợp lý ở cao ốc này. Tiếp xúc với PV, bà Nguyễn Ngọc Lan (ngụ 13.04B, lô B, đồng thời là Trưởng ban quản trị cao ốc SCREC), và nhiều hộ dân khác ngụ trong cao ốc thắc mắc: Theo Luật Nhà ở, ngoài phần diện tích sở hữu riêng của từng hộ thì phần còn lại trong cao ốc là thuộc sở hữu chung.

Thế nhưng tại cao ốc này, tầng 1 có nhà trẻ lại đang cho một ngân hàng thuê làm văn phòng; văn phòng ban quản lý cao ốc lại cho một đơn vị thuê làm nhà sách... Bà Nguyễn Ngọc Lan và các hộ còn khẳng định: "Tầng 4, theo hồ sơ hoàn công và bản thỏa thuận kiến trúc - quy hoạch công trình của Kiến trúc sư trưởng TP, sẽ bố trí các phòng sinh hoạt cộng đồng, sân chơi, nhưng hiện cũng được đem cho một đơn vị nào đó thuê". Trả lời khiếu nại của các hộ dân về vấn đề này, ngày 22.7.2008, Công ty cổ phần đầu tư - xây dựng và kinh doanh nhà Sài Gòn (chủ đầu tư cao ốc SCREC) có văn bản cho rằng phần diện tích tầng 1, tầng 4 tại cao ốc này thuộc quyền sở hữu của công ty và không công nhận quyền khai thác của cộng đồng dân cư!

Bà con nơi đây cũng than phiền vấn đề thu phí dịch vụ. Trong hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư cam kết chỉ thu 100.000 đồng/tháng trong 2 năm đầu. "Tuy nhiên, khi chúng tôi về ở chưa được một tháng, họ lại đề nghị tăng lên 300.000 đồng/tháng, tức tăng 300%. Các hộ kiên quyết không đồng ý" - một số người dân cho biết.

Trao đổi với PV, nhiều hộ dân ngụ tại cao ốc SCREC còn phản ánh tình trạng thất thoát nước sạch và thất thoát điện rất lớn xảy ra lâu nay tại cao ốc. Theo các hộ dân, việc thất thoát nước, điện quy mô lớn và kéo dài là do lỗi trong quá trình xây dựng cao ốc. Điển hình: tiền nước theo đồng hồ tổng kỳ 4.2008 lên đến gần 66,5 triệu đồng trong khi tổng số tiền nước các hộ đóng theo chỉ số đồng hồ riêng từng căn hộ chưa đến 30,5 triệu đồng (thất thoát gần 36 triệu đồng/kỳ). Chỉ số điện chiếu sáng công cộng (không tính điện các hộ dân) mỗi tháng từ 45 - 70 triệu đồng. Trước tình trạng này, chủ đầu tư đã cắt gần 1/2 số bóng đèn nhưng không giải thích thỏa đáng về lượng điện hao hụt.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên