Top

Mặt bằng bán lẻ

Chủ yếu là giao dịch ngầm

Cập nhật 06/10/2009 13:55

Thông tin cho thuê mặt bằng, đôi khi, ở các bảng như thế này còn nhiều hơn trên các báo. Ảnh: Lê Quang Nhật
 

Trong khi thông tin nhà đất được quảng cáo, rao khá nhiều thì thông tin liên quan tới mặt bằng cho thuê khá hiếm mặc dù hoạt động cho thuê, tìm thuê, sang nhượng mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM diễn ra nhộn nhịp.

Mọi giao dịch về mặt bằng dường như diễn ra trong thế giới ngầm, ít có thông tin chính thức, nên người có lợi thế thông tin như đơn vị môi giới, cá nhân hay tổ chức, có thể cầm trịch. Ông Nguyễn Văn Hùng, một người chuyên môi giới mặt bằng bán lẻ nói: “Chỉ có vài người không rành mới tìm cách đăng báo để sang nhượng, hay tìm thuê, cho thuê. Còn người có nhu cầu thực sự đều chấp nhận trả hoa hồng cho cò để nhanh có hợp đồng”.

Giao dịch ngầm

Trên các báo ngày có số trang chuyên đăng mua bán bất động sản như Tuổi Trẻ, Thanh Niên thì phần liên quan đến mặt bằng bán lẻ chỉ có 3 – 5 mẩu/kỳ báo, trên các mục sang nhượng cho thuê của Mua và Bán, Phụ Nữ, Địa Ốc trên mạng online cũng không quá 10 mẩu/kỳ, và đáng lưu ý là tình trạng một mẩu được đăng lặp đi lặp lại có khi đến cả chục kỳ báo mà gọi điện hỏi thì chủ trả lời rằng, chưa tìm được khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Uy, chủ hệ thống cửa hàng thời trang cho giới thanh, thiếu niên kể: “Mua cả đống báo về tìm, cử nhân viên đi rảo các tuyến đường thời trang như Nguyễn Trãi, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Đình Chiểu… tìm cả tháng chẳng thấy mặt bằng nào trống. Vậy mà chỉ cần gọi điện thoại cho cò, là mấy ngày sau có ngay mặt bằng vị trí khá đẹp”. Ông Uy thắc mắc về nguồn thông tin mà người môi giới có được.

Theo giới thạo tin trong ngành bất động sản, cò có thể là nhân viên của hơn 150 công ty kinh doanh địa ốc ở khu vực quận 1, quận 5, quận 7, quận 8, Tân Bình, Bình Thạnh…, đôi khi là những người ở tổ dân phố của các tuyến đường trung tâm Sài Gòn như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng 8…, chưa kể các chủ tủ bán thuốc lá dạo, các nhân viên thẩm mỹ… Ông Hùng kể: “Hầu như các công ty địa ốc chỉ đăng quảng cáo mua bán nền, căn hộ, chung cư, nhưng nhân viên các công ty này thường kiêm thêm dịch vụ môi giới mặt bằng. Người có nhu cầu cho thuê, sang nhượng gửi gắm thông tin cho họ, họ tìm khách giới thiệu và hưởng hoa hồng từ bên cho thuê”. Cũng theo ông Hùng, thì ít ai ngờ, nhưng lại nhanh nhất là thông tin từ các nhân viên mátxa, gội đầu, bởi họ rất chịu khó tìm kiếm thông tin về các ngôi nhà cho thuê quanh khu vực của tiệm, từ các khách hàng đến thư giãn hay kể chuyện, ráp nối cung – cầu với nhau để hưởng hoa hồng”. Riêng bà Nguyễn Thị Thanh, ngụ ở quận 5 chuyên tìm mặt bằng thông qua người làm công tác ở tổ dân phố, ở phường nói rõ: mấy ông, bà làm công tác tổ, công tác hội thường xuyên đến các hộ gia đình, nên họ nắm rõ ai đang có nhu cầu cho thuê mặt bằng, hộ nào sắp đến hạn thanh lý hợp đồng… hỏi họ sẽ có nhiều thông tin”.

Bộ phận chuyên trách về mặt bằng

Về phía nhà kinh doanh, nhu cầu mở rộng mạng lưới phân phối, mở đại lý hay mở văn phòng giao dịch của ngân hàng đã buộc các công ty phải có bộ phận chuyên trách để lựa chọn mặt bằng. Có nơi gọi là chuyên viên dự án, có nơi là chuyên viên nghiên cứu và phát triển, có nơi là nhân viên phát triển hệ thống… và trong cơ cấu tổ chức, họ có thể là nhân viên phòng marketing, nhân viên phòng RD, trực thuộc bộ phận nhân sự, hay trực tiếp thuộc quyền quản lý của giám đốc… Ở một số ngân hàng, lo về mặt bằng chi nhánh có khoảng 2 – 3 người, chuyên đi tìm kiếm các ngôi nhà mặt tiền, liên hệ chủ nhà đặt vấn đề, chụp hình khảo sát về chuyển cho bộ phận kinh doanh phân tích về chi phí cần đầu tư thêm, tính khả thi, rồi chuyển cho sếp điều hành quyết định mức giá thương lượng. Ở công ty như An Phước, theo bà Nguyễn Thị Điền, giám đốc công ty thì: “Việc phát triển hệ thống giao cho nhóm nhân viên, họ tìm kiếm địa điểm, bàn bạc giá cả và thương lượng luôn”.

Quy mô hơn, như hệ thống siêu thị Coopmart, thì phần tìm kiếm địa điểm giao hẳn cho công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn Co.op – SCID. Công ty này đứng ra ký các hợp đồng đối tác với các công ty thương mại, xây dựng lớn tại TP.HCM cũng như các tỉnh thành khác, để hễ có chung cư mới, khu dân cư mới thì Co.opmart sẽ có vị trí ưu tiên mở siêu thị tại đó. Đồng thời SCID còn có đội ngũ chuyên đi tìm hiểu các vị trí đẹp, mặt bằng bỏ trống trong khu dân cư, bàn bạc thoả thuận với chủ sở hữu mặt bằng cơ hội hợp tác phát triển kinh doanh… Cách làm này mới có thể đáp ứng được tốc độ mở mỗi năm 10 – 15 siêu thị mới, mà mỗi siêu thị từ vài ngàn đến cả chục ngàn mét vuông như hiện nay.

Ông Hồ Văn Thành, người chịu trách nhiệm tìm kiếm mặt bằng để phát triển cửa hàng của công ty PNJ kể: “Nếu đứng bên ngoài, sẽ không thể nào biết được ở đâu có mặt bằng cho thuê để mở vài chục cửa hàng mới mỗi năm. Nhưng khi đi vào guồng, thiết lập được quan hệ với các cá nhân, ký hợp đồng với vài đối tác như siêu thị, trung tâm thương mại, thì mạng lưới mở ra cho rất nhiều thông tin và cơ hội”. Cũng theo ông Thành, thì chi phí phải trả cho người môi giới, thường thì bên cho thuê chịu, nhưng nếu muốn có vị trí đẹp mà nhiều người đang cùng muốn thì bên đi thuê phải trả phí mới có được thông tin sớm nhất – tức khả năng thuê được sẽ cao nhất.

Thị trường giao dịch mặt bằng bán lẻ được dự báo sẽ sôi động hơn, khi mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM từ nay đến cuối năm 2009 dự kiến sẽ có thêm khoảng 77.034m2 từ các trung tâm thương mại mới và năm 2010 có thể sẽ được bổ sung thêm khoảng 209.870m2. Bên cạnh đó mỗi tuyến đường Sài Gòn còn có hàng trăm nhà mặt tiền thường xuyên thay đổi khách thuê. Các công ty kinh doanh thương mại, dịch vụ, các cửa hàng tiện ích ráo riết mở rộng mạng lưới phân phối thêm 40, 50 hay 100 điểm kinh doanh trong vòng 1 – 2 năm tới.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị