Phí dịch vụ chung cư sẽ phân bổ theo diện tích từng hộ, được khống chế bởi giá trần của UBND tỉnh, thành phố. Việc tăng hay giảm phí chung cư sẽ phải thông qua Ban quản trị do dân bầu ra.
Theo Dự thảo Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng soạn thảo, mức phí quản lý chung cư sẽ được thu định kỳ 1-3 tháng một lần. Tại các chung cư có phần sở hữu chung để kinh doanh, mức phí các hộ dân phải đóng góp được tính dựa trên cân đối thu chi giữa thu nhập từ kinh doanh dịch vụ và chi phí vận hành khu nhà, được phân bổ cho các hộ theo diện tích riêng.
Với chung cư không có phần sở hữu chung để kinh doanh, mức đóng góp được phân bổ theo diện tích riêng của từng hộ. UBND tỉnh, thành phố sẽ quy định mức thu tối đa (mức trần) phí quản lý vận hành chung cư trên địa bàn.
Riêng với dự án chung cư cao cấp có dịch vụ gia tăng như tắm hơi, bể bơi... trong đó chủ đầu tư có thỏa thuận mức phí dịch vụ với người mua bằng văn bản khi ký hợp đồng mua nhà, phí vận hành sẽ được thu theo thỏa thuận đó.
Các phí về trông giữ tài sản như trông xe và các tài sản khác thực hiện theo quy định chung về phí, lệ phí và các quy định của địa phương. Trong trường hợp chung cư có phần sở hữu chung để kinh doanh, mức giá dịch vụ phải do Hội nghị nhà chung cư quyết định. Khoản tiền lãi thu được phải dùng để bù đắp chi phí quản lý vận hành và bảo trì tòa nhà chứ không được dùng vào các chi phí khác hay chia cho các chủ sở hữu.
Tăng phí dịch vụ ở chung cư phải có sự đồng thuận của nhiều phía. Ảnh: Hoàng Hà
Ban quản trị quản lý phí bảo trì
Theo Dự thảo Quy chế, trong vòng 12 tháng kể từ khi chung cư được bàn giao với tối thiểu 50% số căn hộ được bán, kể cả số căn hộ chủ đầu tư được giữ lại, chủ đầu tư phải tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra Ban quản trị. Ban này sẽ bao gồm 5-15 thành viên, là đại diện của người dân, chủ sở hữu, chủ đầu tư. Trong thời gian từ khi chung cư được đưa vào sử dụng đến khi kết thúc nhiệm kỳ đầu của Ban quản trị, việc lựa chọn và ký hợp đồng với doanh nghiệp quản lý chung cư do chủ đầu tư thực hiện. Từ nhiệm kỳ thứ hai của Ban quản trị, chủ đầu tư sẽ giới thiệu doanh nghiệp quản lý tòa nhà và Ban quản trị ký hợp đồng. Cũng từ nhiệm kỳ hai, Ban quản trị có quyền thanh lý hợp đồng với doanh nghiệp quản lý tòa nhà.
Trong vòng 10 ngày từ khi ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý, chủ đầu tư phải gửi hợp đồng tới UBND quận để theo dõi. Định kỳ 6 tháng một lần, doanh nghiệp quản lý tòa nhà sẽ báo cáo với Ban quản trị về việc thu, chi phí vận hành chung cư.
Với chung cư được bán từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực (1/7/2006), chủ đầu tư phải nộp 2% tiền nhà mà người mua đã trả để bảo trì phần sở hữu chung của chung cư. Với phần diện tích nhà mà chủ đầu tư giữ lại không bán (không tính phần diện tích chung), chủ đầu tư cũng phải nộp 2% giá trị phần diện tích đó, tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của tòa nhà. Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi ngân hàng phần kinh phí bảo trì này và giao lại cho Ban quản trị từ nhiệm kỳ thứ hai trở đi.
Tuy nhiên, với chung cư được bán trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực mà chủ đầu tư chưa thu được 2% phí bảo trì, các chủ căn hộ đóng góp 70% phí tương ứng với diện tích căn hộ; 30% còn lại do ngân sách địa phương hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Với diện tích do chủ đầu tư giữ lại, phí bảo trì sẽ do chủ đầu tư chi trả.
Theo Cục quản lý nhà thuộc Bộ Xây dựng, việc quản lý chung cư sẽ thực hiện theo hướng tự quản thông qua doanh nghiệp quản lý vận hành chung cư chuyên nghiệp. Đồng thời, việc huy động phí quản lý chung cư và sử dụng khoản phí này sẽ thực hiện theo nguyên tắc tự trang trải và minh bạch.
Ngọc Châu
(Theo Đô Thị)