Mặc dù cơ chế, chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp có hiệu lực và được triển khai từ năm 2009, nhưng đến nay, nhiều đơn vị vẫn chưa được thụ hưởng. Nguyên nhân chủ yếu vì vướng thủ tục.
Chưa được thụ hưởng
Theo chủ trương, việc phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp được thực hiện theo nguyên tắc xã hội hóa. Chủ đầu tư được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng ở mức cao nhất, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp.
Trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, ngày 22/7/2009, Chính phủ ban hành Quyết định số 96/2009/QĐ-TTg, theo đó các ưu đãi chỉ được áp dụng trong năm 2009. Tuy nhiên, để hoàn thành dự án xây dựng nhà ở xã hội, thông thường chủ đầu tư phải triển khai thực hiện ít nhất là trong 2 năm. Bởi vậy, hầu hết chủ đầu tư các dự án dù đã khởi công nhưng vẫn chưa được thụ hưởng những ưu đãi này. Điều này đã ảnh hưởng tới việc thu hút doanh nghiệp tham gia, đồng nghĩa với việc khó phát triển thêm nguồn cung, đặc biệt là ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm.
Sau khi các doanh nghiệp có thông tin về việc chỉ thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế trong năm 2009, đã xảy ra hiện tượng tạm dừng hoặc triển khai cầm chừng sau khi khởi công. Vẫn biết, nhu cầu nhà ở cho hai đối tượng này rất lớn nhưng nhiều địa phương lại chưa chủ động tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư về quĩ đất, vốn, ưu đãi đặc thù… khiến doanh nghiệp không còn mặn mà tham gia. Hiện cả nước mới chỉ có 5 dự án được vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam với tổng số vốn vay khoảng 740 tỉ đồng, đạt 19% so với số vốn của các dự án đã khởi công. Tổng Công ty Viglacera, 1 trong 5 chủ đầu tư may mắn lọt vào danh sách được xét vay vốn cũng phải thế chấp một mảnh đất ở vị trí khác thì mới đủ điều kiện được vay.
Cần hỗ trợ một cách có hiệu quả
Phải chịu lãi suất cao khi buộc phải vay vốn từ ngân hàng thương mại để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, không ít chủ đầu tư đã chọn giải pháp giãn tiến độ thi công. Bên cạnh đó, do không được áp dụng ưu đãi thuế và khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam nên giá thành mỗi mét vuông sàn căn hộ đã hoàn thành cũng khá cao, từ 10 - 12 triệu đồng, thậm chí còn cao hơn. Điều này đã làm tăng giá thành đầu tư, giảm khả năng tiếp cận của người hưởng lợi và giảm hiệu quả của các chủ đầu tư.
Hiện, nhiều địa phương và doanh nghiệp đang đề nghị Chính phủ cho phép được tiếp tục triển khai các ưu đãi đó cho những năm tiếp theo để đảm bảo mục tiêu của Chương trình. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, hiện qui định hỗ trợ về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp vẫn còn một số hạn chế như: thực hiện qua trung gian, các đối tượng chính sách xã hội không được hưởng ưu đãi trực tiếp; hỗ trợ theo hình thức này dễ bị doanh nghiệp lợi dụng nếu Nhà nước không có các chế tài mạnh. Để các chính sách hỗ trợ của Chính phủ triển khai thực hiện có hiệu quả, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các qui định trong Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp về các ưu đãi đối với nhóm dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp tại đô thị. Đặc biệt, các giải pháp kịp thời để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục triển khai đầu tư hiện đang rất cần thiết.
Để vay được vốn, doanh nghiệp đã phải thế chấp một mảnh đất ở vị trí khác thì mới đủ điều kiện vay. Còn bản thân mảnh đất thực hiện dự án nhà cho người có thu nhập thấp thì không đủ căn cứ pháp lý để đem ra thế chấp vay vốn xây dựng chính dự án đó.
Ông Nguyễn Anh Tuấn Tổng Giám đốc Viglacera
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị