Top

Chính phủ quyết định mở rộng địa giới Hà Nội

Cập nhật 30/04/2008 11:00

Đó là thông tin từ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn tại cuộc họp báo của Chính phủ chiều 29/4.

Theo Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, sau khi xem xét lấy ý kiến các bộ, ngành, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ hôm 28/4, Chính phủ đã quyết định việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội theo phương án mà Bộ Xây dựng đã đề xuất.

Theo đó, địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội sẽ bao gồm toàn bộ diện tích của thành phố Hà Nội hiện tại và toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân, Đông Xuân của tỉnh Hòa Bình.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, sau khi xem xét và xin ý kiến của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Chính phủ đã quyết định xây dựng Thủ đô Hà Nội theo mô hình là một đô thị đa chức năng (trước đây là đơn chức năng), có nghĩa là Thủ đô Hà Nội trong tương lai phải trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… của cả nước.

Theo Bộ trưởng, ngay trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua. Nếu được chấp thuận, việc sắp nhập sẽ được chính thức thực hiện vào ngày 1/7/2008. Đây cũng chính là thời gian để UBND, hội đồng nhân dân và các cơ quan, ban ngành của hai địa phương tiến hành sáp nhập, cơ cấu và kiện toàn lại tổ chức.

Trả lời câu hỏi vì sao Chính phủ lại quyết định mở rộng Hà Nội mà không tiến hành trưng cầu ý kiến của nhân dân của Hà Nội và Hà Tây, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cho rằng, không phải Chính phủ “lặng lẽ” sáp nhập mà đã cho lấy ý kiến của Hội đồng Nhân dân của Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc và Hòa Bình. Theo Bộ trưởng thì đó chính là những đại diện của nhân dân, nên việc Chính phủ quyết định là không có gì là vội vã và trái luật cả.

Hơn nữa, Bộ trưởng cho rằng việc mở rộng Thủ đô Hà Nội là một vấn đề khá nhạy cảm và đã được Trung ương chỉ đạo từ thập kỷ trước. Chính vì vậy, mọi vấn đề sau khi Chính phủ xem xét thì phải được quyết định ngay, nếu không sẽ dễ nảy sinh những vấn đề tiêu cực khó lường trước, đặc biệt là vấn đề về đất đai và bộ máy quản lý.

Chính phủ cũng đã xác định, ngoài những thuận lợi thì việc sáp nhập cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác sắp xếp, quyết định số lượng của bộ máy tổ chức, cán bộ của Thủ đô mới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết mọi vị trí lãnh đạo chủ chốt của các cấp đếu phải được tiến hành bầu lại, trong đó Bộ Nội vụ sẽ có sự vận dụng cũng như có những cơ chế đặc thù về số lượng cán bộ của Thủ đô sau khi sáp nhập.

Theo VnEconomy