Lần đầu tiên nghị định của Chính phủ quy định mức phạt đối với hành vi chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ) cho người mua nhà ở, đất ở...
Đây là quy định nằm trong Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vừa được Chính phủ vừa ban hành.
Theo đó nghị định lần này đã nâng gấp đôi mức phạt đối với nghị định 105 ban hành năm 2009. Cụ thể trước đó hành vi bị xử phạt cao nhất của nghị định cũ 500 triệu đồng thì nay nâng lên thành 1 tỉ đồng.
Quy định này áp dụng cả với trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở mà chậm làm thủ tục cấp “sổ đỏ” kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở. Theo đó tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 1 tỉ đồng.
Cụ thể, mức phạt cao nhất đối với hành vi chậm làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho người dân được quy định từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng được áp dụng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên và chậm từ trên 12 tháng trở lên.
Thực tế việc người dân bị "làm khó' khi tiến hành sang tên, làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất từng được nhiều lần phản ánh.
Việc người dân bị 'làm khó' khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã được phản ánh ở nhiều nơi |
Gần đây nhất khi Ủy ban thường vụ Quốc hội họp ngày 29/9, đại biểu Sỹ Cương cho hay, theo nghị quyết của QH, Hà Nội phải giải quyết việc cấp sổ đỏ lần đầu tỷ lệ tối thiểu 85% nhưng không hoàn thành. Có rất nhiều dự án người mua nhà đã thanh toán đầy đủ, chủ đầu tư đã bàn giao cho người sử dụng hàng năm nay nhưng không thấy nói gì đến sổ đỏ.
"Theo người dân thì nguyên nhân căn bản nhất dẫn tới việc cấp sổ đỏ chậm trễ phần lớn do tiêu cực, nhũng nhiễu", đại biểu Cương nói thắng.
Sau đó ông phản ánh việc cấp sổ đỏ tại các dự án nhiều năm không làm riêng lẻ từng trường hợp đối với các dự án chung cư mà phải làm từng tòa nhà thông qua chủ đầu tư. Lợi dụng việc này, chủ đầu tư đã phổ biến phải nộp 8 triệu đồng mới được làm nhanh sổ đỏ.
"Vì họ đòi tiền quá cao nên nhiều người dân không có điều kiện, người ta xót xa không nộp và kết quả là những người nộp phí bôi trơn thì đã được cấp, những người khác thì không biết đến bao giờ. Điều đáng nói là phí bôi trơn này chỉ nói miệng và thu tiền không có biên lai, biên nhận gì cả", đại biểu Cương nêu rõ vấn đề.
Từ thông tin này ngay sau đó UBND Thành phố Hà Nội đã vào cuộc để "truy" thông tin về tình trạng "bôi trơn" này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả chính thức.
Trên nhiều diễn đàn các nhà quản lý của thành phố cho rằng không có hiện tượng "bôi trơn" làm sổ đỏ nhưng rải rác các nguồn tin người dân vẫn đang tiếp tục hé lộ những thông tin liên quan đến hiện tượng này.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt