Một đề xuất đáng chú ý trong Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi là việc bỏ quy định buộc giao dịch BĐS qua sàn mà thay vào đó chỉ khuyến khích giao dịch qua sàn BĐS để đảm bảo công khai, minh bạch.
Qua thống kê của mạng các sàn giao dịch BĐS Việt Nam, riêng tại Hà Nội đã có 481 sàn đăng ký hoạt động, tại Tp.HCM là 405 sàn đăng ký. Tuy nhiên, khi thị trường suy thoái, số lượng các sàn giải thể, bỏ cuộc chơi rất nhiều, hiện nay các sàn BĐS còn hoạt động không nhiều. |
Thực tế, với bất kỳ quy định nào khi đi vào cuộc sống cũng có tính hai mặt. Có thể sẽ tốt ở thời điểm hiện tại nhưng chưa chắc ở tương lai. Với thị trường BĐS không ai có thể khẳng định chỉ nhờ vào yếu tố bỏ giao dịch qua sàn để có thể minh bạch thị trường.
Trước đây, cũng vì quy định giao dịch mua bán nhà đất phải qua sàn khiến cho các chủ đầu tư, khách hàng bị hạn chế sự lựa chọn phương thức tiếp thị, tiếp cận sản phẩm. Vô hình chung tạo ra một nhóm đối tượng cò mồi, thổi giá. Bên cạnh đó, chưa kể việc quy định giao dịch qua sàn khiến thủ tục phức tạp, chi phí sản phẩm bị tăng lên vì phải bao gồm thêm thuế, phí dịch vụ giao dịch.
Không giao dịch qua sàn sẽ tạo cơ hội cho khách hàng chủ động trong việc lựa chọn sản phẩm, lựa chọn chủ đầu tư để làm việc trực tiếp.Hơn nữa, sẽ dễ dàng trao đổi những yêu cầu, thỏa thuận giữa đôi bên, củng cố niềm tin, duy trì được mối dây liên kết giữa khách mua và chủ đầu tư. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi chủ đầu tư đang phải nỗ lực xây dựng niềm tin đối với khách hàng.
Như vậy, Luật kinh doanh bất động sản đã "chấp nhận" thực tế rằng, giao dịch BĐS qua sàn hay không qua sàn là quyền, nhu cầu của người tham gia thị trường, tham gia giao dịch.