Top

Bình Dương: Nhiều dự án khu dân cư, đô thị bỏ hoang

Cập nhật 27/11/2009 10:35

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 197 dự án khu dân cư, đô thị. Trong đó, nhiều dự án dở dang, thậm chí bị bỏ “quên”.
 

Bò đang gặm cỏ trên đất dự án


Gần 10 năm chưa xong giải tỏa

Nhiều khu dân cư, đô thị ở Bình Dương được cấp phép xây dựng nhiều năm qua nhưng đến nay chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng.

Cụ thể như, khu dân cư thương mại dịch vụ Đông Bình Dương tọa lạc tại xã Tân Bình, huyện Dĩ An được UBND tỉnh Bình Dương cho chủ trương triển khai từ năm 2003 nhưng đến nay mới chỉ đền bù được 90% và chưa hề triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng. Khu dân cư này có diện tích 126 ha, do Cty Fideco ở TPHCM làm chủ đầu tư.

Một điển hình khác là khu dân cư dịch vụ Tân Bình cũng thuộc xã Tân Bình, huyện Dĩ An với diện tích gần 80ha, được cho chủ trương triển khai xây dựng từ năm 2003 và quyết định quy hoạch chi tiết từ năm 2005. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và chỉ mới bồi thường được 98,33%.

Khu dân cư nhà vườn Tân Vũ Minh ở xã Vĩnh Phú, huyện Thuận An cũng được triển khai từ năm 2005 nhưng đến nay còn 13 hộ dân chưa chịu di dời.

Khu dân cư Đông Trung thuộc xã Bình Hòa, huyện Thuận An được cho phép từ năm 2003 với diện tích 10,26 ha nhưng qua bảy năm mới giải tỏa đền bù được 7,3 ha, san lấp mặt bằng 71%, nền đường 70%.

Khu tái định cư của cụm công nghiệp Tân Bình ở huyện Dĩ An nằm ngay dưới trũng và hạ tầng điện nước, giao thông cũng chưa hoàn thành. Khu dân cư Cầu Đò ở xã An Điền, huyện Bến Cát do Cty TNHH Thiên Phú làm chủ đầu tư cũng vậy. Với diện tích 51 ha được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2006 nhưng đến nay chỉ đền bù được 46,7 ha (đạt được 92%).

Trong khi thực hiện chưa xong thì công ty này lại tiếp tục được cấp phép đầu tư xây dựng khu dân cư Mỹ Phước 4 với diện tích 54 ha vào tháng 7/2007. Từ đó đến nay, công ty này mới bồi thường giải tỏa được 38,6 ha, san lấp mặt bằng khoảng 20 ha.

Ở một huyện khá xa trung tâm Bình Dương là Tân Uyên cũng không ngoại lệ. Tại khu tái định cư ở thị trấn Uyên Hưng với diện tích 12 ha, được phê duyệt chi tiết từ năm 2004 nhưng đến nay chỉ giải tỏa đền bù được… 2 ha.

Sai phạm

Dự án khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ thuộc địa bàn thị xã Thủ Dầu Một do Tổng Cty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị - Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư. Dự án này có diện tích quy hoạch được điều chỉnh là 443,43 ha và qua kiểm tra trước đây, cơ quan chức năng cũng từng phát hiện chủ đầu tư chưa lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật và lấy ý kiến trong khu vực quy hoạch.

Điều này trái với quy định tại điều 23, Luật Xây dựng và điều 25 Nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch xây dựng. Đồng thời, thuyết minh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 không có pháp nhân của cấp thẩm định và phê duyệt.

Phân khu chức năng và hệ thống giao thông của quy hoạch chi tiết xây dựng giai đoạn 1 tỷ lệ 1/500 không khớp với quy hoạch 1/2.000. Việc quản lý chất lượng công trình xây dựng còn lỏng lẻo như nhật ký có nhiều trang không có nội dung và ký khống.

Hay như tại dự án khu biệt thự Phú Thịnh (thị xã Thủ Dầu Môt) cũng từng bị Thanh tra tỉnh phát hiện sai phạm. Cụ thể như quy hoạch xây dựng hạ tầng không khớp với quy hoạch chi tiết được duyệt và dự án này chủ đầu tư cũng đã tự phê duyệt, trong khi đó thẩm quyền thuộc về UBND tỉnh. Đồng thời, bàn giao đất tái định cư không đúng với cam kết và sử dụng đất không đúng mục đích tới 1.000 m2.

Đối với các dự án khu dân cư của Cty TNHH SX-TM Thiên Phú cũng không ít sai phạm. Cụ thể như dự án khu dân cư Hòa Lân (Thuận An) của công ty này cũng đã vi phạm thời gian triển khai thuộc vào diện phải thu hồi đất theo Luật Đất đai.

Còn dự án khu dân cư Cầu Đò (Bến Cát) cũng do Thiên Phú làm chủ đầu tư, thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh cũng phát hiện tiếp tục vi phạm thời gian triển khai dự án, thuộc trường hợp phải thu hồi.

Việc chuyển nhượng dự án trái phép khu dân cư cũng đã diễn ra ở Bình Dương. Đơn cử là dự án khu dân cư và siêu thị Đông Hòa (huyện Dĩ An) do Cty Cổ phần Địa ốc Areco làm chủ đầu tư, với diện tích hơn 40 ha được chuyển nhượng cho Cty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Giày Thái Bình (GTB) trong khi cơ sở hạ tầng chưa xây dựng (đang bồi thường và đang san lấp mặt bằng).

Về pháp lý, chủ đầu tư đã vi phạm Luật Đất đai 2003. Bên cạnh đó, GTB cũng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho 110 hộ dân, vi phạm vào nghị định của Chính phủ về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê. Việc chuyển nhượng này là trái phép, theo kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong