Tín hiệu tốt từ chính sách tài chính, tiền tệ được cho lực đẩy mới đối với bất động sản. Nhiều người kỳ vọng vào việc giá đất sẽ tăng trở lại vào cuối quý 3. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra do tháng 9 là thời điểm làn sóng đáo nợ ngân hàng xuất hiện.
Sau 4 tháng đóng băng, giá bất động sản sụt giảm mạnh với mức giảm trung bình 12-15 triệu đồng/ m2 đã khiến nhiều nhà đầu tư dò dẫm “mò” đáy để mua vào. Tuy nhiên, giá nào là đáy thì không ai đoán được bởi bất động sản nhiều khu vực đã bị đẩy lên cao quá mức so với giá gốc chủ đầu tư đưa ra.
Các nhà đầu tư, khách hàng mua thời điểm này phần lớn cho rằng mức giá này quá rẻ so với thời điểm thị trường sốt nóng.
Đơn cử như trường hợp của chị Hạnh Nguyên - nhà đầu tư cho biết, dự án khu đô thị Văn Phú vị trí đường to lúc thị trường sôi động giá trên 70 triệu đồng/m2 nhưng hiện tại chỉ khoảng 55-56 triệu đồng/m2. Vì vậy, chị Nguyên vẫn quyết định mua vào bởi chị cho rằng nếu không mua thì sau này khó có cơ hội mua được với mức giá rẻ như vậy.
Dưới góc độ nhà đầu tư khác thì mức giá này không phải rẻ bởi mua 1 lô dự án Văn Phú trung bình phải trả hơn 6 -7 tỷ đồng/căn bao gồm cả tiền xây thô. Với số tiền đó gửi tiết kiệm tiền lãi có đến cả trăm triệu đồng/tháng thay vì bỏ từng đó tiền mà không biết bao giờ thị trường mới khởi sắc.
Theo lý giải chị Nguyên, điều chị hi vọng đó là động thái bán tháo trên thị trường đã giảm mạnh, các lô đất dự án bán giá “bèo” gần như không còn nhiều nữa. Bên cạnh đó, tín hiệu giảm lãi suất và nới cho vay bất động sản sẽ là động lực để thị trường tăng trở lại. Vì vậy, mua thời điểm này là hợp lý.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu riêng của PV có một thực tế hiện nay có rất nhiều người đang vay tiền ngân hàng đầu tư vào bất động sản và thời gian đáo nợ các hợp đồng này vào khoảng tháng 9-10. Nhiều khả năng sẽ xảy ra làn sóng đáo nợ ngân hàng, các khách hàng sẽ phải thu xếp tiền để trả nợ vay. Vì vậy, bằng mọi cách nhà đầu tư, người mua nhà sẽ phải tiếp tục bán tháo bất động sản để có tiền trả nợ.
Chị Phạm Nguyệt Nga - Giám đốc sàn giao dịch bất động sản tại chợ đất Lê Văn Lương cho biết, hiện trong số các nhà đầu tư “ruột” của sàn có đến 70% là có vay vốn ngân hàng. Nhiều người mua thời điểm tháng 3/2011 đã lỗ nặng khi giá bất động sản giảm hơn 10 triệu đồng/m2 chưa kể khách hàng mua dịp cuối năm ngoái đỉnh điểm cơn sốt đất.
Do vậy, các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt việc thu xếp tiền để trả nợ ngân hàng vì vậy thị trường sẽ tiếp tục “xấu”. Đối với khách hàng mua nhà để ở thời điểm này thì không nói nhưng với nhà đầu tư chưa phải thời điểm thích hợp. Ít nhất phải cuối tháng 11,12 làn sóng đáo nợ ngân hàng kết thúc.
Một phó giám đốc tập đoàn bất động sản lớn chia sẻ, có điều rất đáng lo ngại cho thị trường bất động sản đó là người dân không còn nhiều tiền. Năm 2008, khi nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, hệ thống ngân hàng thanh khoản kém nhưng người dân vẫn còn rất nhiều tiền. Vì vậy, thị trường nhanh chóng cải thiện. Tuy nhiên, năm nay do nguồn tiền trong dân không còn nhiều vì vậy khả năng phục hồi ngay là rất khó.
DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia