Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt thành lập Quĩ Tiết kiệm nhà ở. Đây có thể coi là quĩ bất động sản thuần Việt đầu tiên; mặc dù, trước đó, tại Việt Nam, có khá nhiều quĩ bất động sản, nhưng đều của nước ngoài và chỉ mang tính chất kinh doanh.
Người dân đang thiếu nhà ở có quyền hi vọng về Quĩ Tiết kiệm nhà ở được xây dựng giống như hình thức bảo hiểm xã hội và mức đóng góp dự kiến từ 1% tổng tiền lương hàng tháng. Người lao động sẽ được hưởng lãi suất từ 3 - 5%/năm tùy theo giá trị đóng góp và đối tượng huy động. Việc đóng góp này hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện.
Sau khi hình thành với giá trị nhất định, Quĩ sẽ cho người dân vay tiền mua nhà ở với lãi suất thấp kèm những qui định về đối tượng và điều kiện vay. Quĩ cũng sẽ dành một phần nhất định ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Theo như lời Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: "Quĩ ra đời chỉ hỗ trợ một phần giúp người dân có thêm điều kiện tiếp cận với việc sở hữu nhà ở chứ không có trách nhiệm lo hết nhà ở cho người dân".
Dù thế nào, với Quĩ Tiết kiệm nhà ở, Việt Nam đã có thêm công cụ để hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản, góp phần điều tiết giá cả đồng thời đảm bảo nguồn tài chính và các ưu đãi sẽ đến được tận tay người tiêu dùng. Nếu thực hiện thành công việc tạo dựng mô hình quĩ này, việc khoảng 9 triệu người lao động đang hưởng lương hiện nay, chỉ cần đóng 1% số lương mỗi tháng, hàng năm quĩ sẽ có không dưới 10.000 tỉ đồng, góp phần đáng kể để cải thiện chỗ ở cho khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Chủ trương, chính sách rất đúng, rất hợp lý, nhưng nhiều người băn khoăn, đặt câu hỏi: Liệu Quĩ Tiết kiệm nhà ở có thực sự hỗ trợ người dân? Hay chỉ để ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp. Như vậy, ai mới thực sự được hưởng lợi? Bởi trước đó, có chương trình xây dựng nhà ở xã hội nhưng dường như doanh nghiệp được lợi hơn người lao động, người có thu nhập thấp chỉ được hưởng hỗ trợ một phần ít. Hoặc Nhà nước cũng đã thành lập một số quĩ, với mục đích bình ổn, hỗ giúp người dân khi giá cả tăng cao như Quĩ Bình ổn giá xăng dầu. Nhưng xem ra, trong suốt thời gian qua, giá xăng dầu vẫn tăng, còn người tiêu dùng ít được hưởng lợi từ quĩ…
Chính vì thế, các nhà hoạch định phải rút ra được những bài học, từ đó xây dựng chính sách phù hợp, làm sao để tiền tỉ không "mắc kẹt" trong quĩ, phát huy hiệu quả, giúp người dân cải thiện nơi an cư.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị