Kinh tế tăng trưởng ổn định cùng các chính sách được nới rộng đang tạo đà cho thị trường địa ốc châu lục phát triển mạnh trong những tháng đầu năm, đến mức một số nước phải tìm cách hạ nhiệt.
Theo báo cáo do tập đoàn tư vấn và quản lý bất động sản CB Richard Ellis công bố mới đây, những vụ đầu tư và giao dịch lớn tại châu Á trong những tháng đầu năm 2007 đều do các tổ chức đầu tư thực hiện. Tổng giá trị của 10 dự án hàng đầu tại khu vực lên tới 3,7 tỷ USD, trong đó thương vụ đình đám nhất là công ty Công ty tư vấn Bất động sản Toàn cầu Macquarie bỏ ra 1,04 tỷ USD mua lại tòa tháp Temasek ở Singapore.
Sau năm 2006 với nhiều giao dịch kỷ lục, thị trường bất động sản Singapore tiếp tục sôi động khi có đến 10,13 tỷ USD được rót vào các dự án địa ốc trong 3 tháng đầu năm, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước. Theo khảo sát của CBRE, trong các loại hình bất động sản, nhà ở dân sinh đang là mảng tăng trưởng nhanh nhất tại đảo quốc sư tử, sau đó là các dự án văn phòng.
Trung tâm tài chính Thượng Hải của Trung Quốc san sát cao ốc.
Ảnh: NewYorkTimes
Dù những biến động trên thị trường chứng khoán khiến nhiều nhà đầu tư lao đao, nhu cầu bất động sản tại Hong Kong vẫn giữ ở mức ổn định và có chiều hướng gia tăng. Các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đều tìm kiếm những tháp văn phòng cao cấp, đặc biệt những tòa nhà nằm trong khu vực trung tâm đặc khu hành chính này để rót vốn.
Số liệu của CBRE cũng cho thấy, tại Trung Quốc, ngay từ đầu năm, đại gia Morgan Stanley đã rót vốn mua 220 căn nhà thuộc dự án của Novel City, một dự án lớn tại quận Xujiahui của Thượng Hải. Công ty New City của Nhật Bản thì bỏ tiền mua kho vận tải tại cảng Waigaoqiao của trung tâm tài chính này. Chưa hết, Swire Properties và tập đoàn Carlyle đầu tư vào Bắc Kinh, đồng thời mua lại một loạt cao ốc của các công ty bảo hiểm trong nước. Tại trung tâm kinh tế mới nổi Quảng Châu, nhiều các cao ốc văn phòng cũng trở nên đắt giá. Khi tháp hạng A cạn hàng, nhiều doanh nghiệp đổ xô bỏ tiền vào cao ốc hạng B.
Tại Indonesia và Malaysia, chính phủ hai nước láng giềng này cũng đều có những bước đi nhằm nới rộng quy định với thị trường bất động sản. Một trong những thay đổi tại Indonesia là việc bãi bỏ luật phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong khi đó, từ ngày 1/4, chính phủ Malaysia tuyên bố bãi bỏ thuế thu nhập từ bất động sản. Trước đó, loại thuế này được áp dụng với mức thuế suất 30% trên thu nhập từ địa ốc trong 2 năm đầu sau khi chuyển nhượng, và được giảm dần trong các năm tiếp sau.
Tương tự, tại Philippines, môi trường đầu tư vào bất động sản được cải thiện từng ngày, đặc biệt với hạ tầng cho các ngành công nghiệp gia công thương mại và các ngành ứng dụng công nghệ thông tin. Và tại Thái Lan, dù người tiêu dùng và nhà đầu tư lo ngại về tình hình chính trị bất ổn, thị trường bất động sản nước này vẫn đang có nhiều tiến triển, đặc biệt với các khu nghỉ dưỡng.
Vẫn nhiều lo ngạiTheo nhận định của CBRE, chính vì thị trường bất động sản phát triển quá nhanh, chính quyền 2 nước đông dân nhất châu lục là Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt đưa ra những điều chỉnh bằng biện pháp tài chính nhằm giảm nhiệt thị trường.
Đầu năm nay, sau khi Luật đầu tư bất động sản của Trung Quốc được thông qua, thị trường tại nước này trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Các nhà đầu tư giờ có thể yên tâm đầu tư lâu dài tại Trung Quốc nhờ những quy định về quyền sở hữu tài sản khi hết hạn thuê đất. Tuy nhiên, Luật Bất động sản của xứ sở vạn lý trường thành vẫn được đánh giá là chưa thực sự rộng mở với các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì nhiều biện pháp kinh tế vĩ mô để kiểm soát thị trường.
Tại Ấn Độ, các quỹ bất động sản đang mở rộng hợp tác với các chủ thầu xây dựng, cùng góp vốn mua đất. Phổ biến nhất trong các loại hình góp vốn là những vụ đầu tư tài chính nhỏ với lợi nhuận 15-18% sau thuế. Với hình thức này, các chủ thầu xây dựng có thể kêu gọi vốn mua đất mà không phải vay nợ. Tuy nhiên, hiện Chính phủ Ấn Độ áp mức thuế 12,24% lên thu nhập từ cho thuê bất động sản. Theo CBRE, điều này khiến nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại trước quyết định bỏ tiền vào các dự án.
Ngọc Châu
(Theo Đô Thị)