Top

Bất động sản Bình Dương lặng sóng

Cập nhật 21/02/2015 08:16

Trong số các thị trường bất động sản lân cận TP.HCM, Bình Dương được đánh giá đứng đầu về tiềm năng phát triển, bởi có nhiều lợi thế hạ tầng, giá cả và luôn dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thị trường này khá lặng sóng.

Trong nhiều năm liền, kể cả thời điểm thị trường bất động sản phía Nam bị đóng băng, thị trường Bình Dương vẫn luôn sôi động với hàng loạt dự án tung ra đều được khách hàng đặt mua. Ngay từ đầu năm 2014, thị trường này vẫn được giới chuyên môn kỳ vọng sẽ có sự đột phá nhờ sự kiện Bình Dương “dời đô” về trung tâm hành chính của Thành phố mới.

Các nhà đầu tư kỳ vọng, với những quy hoạch phát triển giao thông đột phá, bất động sản Bình Dương sẽ sớm lấy lại phong độ

Tuy nhiên, kể từ sau khi các cơ quan hành chính đầu não của Bình Dương chính thức chuyển đến Thành phố mới, thị trường này dường như trở nên lặng sóng. Nếu như năm 2013, 2 doanh nghiệp môi giới hàng đầu Bình Dương là Công ty Địa ốc Kim Oanh và Công ty Tấc Đất Tấc Vàng đã bán ra thị trường tương ứng hơn 3.000 và 1.500 sản phẩm đất nền, thì nhiều tháng liền sau sự kiện “dời đô” nêu trên, những doanh nghiệp này hầu như đứng ngoài thị trường…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thị trường Bình Dương lặng sóng trong thời gian dài xuất phát từ rủi ro về pháp lý. Giữa tháng 3/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản yêu cầu Tổng công ty Becamex IDC và công ty con là Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương TDC tạm ngưng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng cho đến khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Quy định trên nhằm khắc phục sự lùng nhùng của các quy định trước đó, nhưng lại như một gáo nước lạnh dội vào thị trường Bình Dương. Bởi theo phân tích của giới chuyên môn, các dự án bất động sản có quy mô lớn ở Bình Dương lâu nay thường do các công ty “dòng họ” Becamex làm chủ đầu tư như Became IJC, TDC, ITC… và khi quy định trên được ban hành, hầu hết các dự án này phải dừng lại để bổ sung thủ tục pháp lý.

Một nguyên nhân khác, theo giới chuyên môn, liên quan đến niềm tin của nhà đầu tư. Sự phát triển nóng của Bình Dương trong nhiều năm liền đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư đổ xô vào đầu tư dự án, trong đó không ít nhà đầu tư chỉ nhằm “xí” đất mà không có năng lực triển khai. Thống kê từ Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, trong số 220 dự án bất động sản trên địa bàn, không ít dự án khu dân cư, khu đô thị triển khai không đúng trình tự, thủ tục đầu tư hiện hành. Đặc biệt, nhiều dự án dù chưa đảm bảo về mặt pháp lý, nhưng vẫn mở bán ào ạt, làm mất niềm tin của các nhà đầu tư.

Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng, Bình Dương có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đã có hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới đổ vốn vào Bình Dương. Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản), thông qua Becamex IDC, đã đầu tư 1,2 tỷ USD vào Bình Dương xây dựng Khu đô thị Tokyu Bình Dương tại Thành phố mới Bình Dương. Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Phú Thăng Long (Đài Loan) đầu tư dự án có tổng vốn 1,7 tỷ USD, diện tích đất sử dụng hơn 300 ha. Công ty TNHH một thành viên Setia Lái Thiêu (Malaysia) cũng đã đổ hàng trăm triệu USD vào Bình Dương để xây dựng Dự án Becamex Setia.

Mới đây nhất, Công ty cổ phần Tổ chức Nhà quốc gia (N.H.O) đã rót vốn đầu tư vào Dự án First Home Premium Bình Dương (công ty này được rót vốn từ các quỹ đầu tư của Hàn Quốc, Singapore). Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Công ty VSIP) bắt tay với Công ty Becamex IJC đầu tư Dự án IJC @ VSIP tại Thành phố mới Bình Dương, với tổng vốn khoảng 1.024 tỷ đồng và dự án này đang trở thành tâm điểm của thị trường.

Theo phân tích của giới chuyên môn, một trong những yếu tố tạo nên sức hút đối với Bình Dương là sự phát triển khá mạnh mẽ về hạ tầng, đặc biệt là sự bứt phá của Thành phố mới Bình Dương. Tính đến thời điểm này, các công trình trọng điểm phục vụ cộng đồng đều đã đi vào hoạt động, như công viên hồ sinh thái rộng 120 ha, Đài nhạc nước Cổng Trời, Trung tâm hội nghị Lucky Square, chợ, siêu thị, trung tâm thể thao đa năng, trường học quốc tế từ cấp mầm non đến đại học. Bên cạnh đó, công trình Tòa tháp đôi trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh đến nay cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng, Bình Dương là địa phương nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, liền kề TP.HCM, luôn dẫn đầu về năng lực cạnh tranh trong thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, lợi thế lớn nhất của Bình Dương hiện nay là sự bứt phá trong đầu tư hạ tầng, kéo theo hàng loạt dự án đang tăng tốc đầu tư.

Tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025, mục tiêu đặt ra cho Bình Dương là trở thành một đô thị văn minh hiện đại của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và trở thành một đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Để đạt mục tiêu đó, phát triển hệ thống giao thông phải đi trước một bước, là mũi đột phá quan trọng nhất từ đây đến năm 2020.

Theo quy hoạch, Bình Dương sẽ có sự đột phá trong phát triển hệ thống đường sắt đô thị, với 6 tuyến đường trên cao và 1 tuyến đường trên mặt đất. Trong đó, sẽ có 2 tuyến kết nối với TP.HCM gồm: tuyến số 1 sẽ đi trên cao nối trung tâm Bình Dương với ga Suối Tiên (tuyến metro số 1 của TP.HCM), ưu tiên xây dựng để hoàn thành trước năm 2020. Tuyến số 2 sẽ là tuyến đi từ TP. Thủ Dầu Một đến TP.HCM là tuyến tàu điện nhẹ. Tuyến này sẽ đi trên cao dọc theo Quốc lộ 13 nối với tuyến metro số 3 của TP.HCM tại ngã tư Bình Phước với chiều dài 24,2 km.

Vì vậy, dù thị trường bất động sản Bình Dương thời gian qua có dấu hiệu lặng sóng, nhưng các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng, với những quy hoạch phát triển giao thông như trên, thị trường này sẽ sớm lấy lại phong độ.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo đầu tư