Top

Bất động sản Quảng Ninh: Sẽ chuyển động quanh “tâm” Hạ Long

Cập nhật 20/02/2015 19:55

Với quy hoạch bài bản về không gian kinh tế - xã hội theo hướng Hạ Long, Cẩm Phả, Hoành Bồ sẽ là tâm của sự phát triển (“tâm” Hạ Long) của chính quyền địa phương, bức tranh bất động sản Quảng Ninh hứa hẹn sẽ có nhiều chuyển động sáng sủa hơn trong thời gian tới.


Điểm tên dự án chậm tiến độ

Theo kết quả rà soát mới nhất của UBND tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh có 1.268 dự án có sử dụng đất, trong đó 767 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 501 dự án chậm tiến độ. Trong số 249 dự án đã giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì có 65 dự án chậm tiến độ và đã bị tỉnh Quảng Ninh tiến hành thu hồi.

“Việc thu hồi dự án nhằm chấm dứt tình trạng lãng phí đất đai và hỗ trợ những nhà đầu tư có năng lực. Những dự án đã tiến hành thu hồi sẽ được bàn giao lại cho địa phương quản lý. Giá trị trên đất sẽ được xác định và hoàn trả lại cho nhà đầu tư cũ khi có nhà đầu tư mới tiếp nhận lại dự án”, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.         

Trong số những dự án chậm tiến độ, đa phần là các dự án bất động sản nhà ở như khu đô thị, chung cư, biệt thự. Theo lý giải của ông Trương Mạnh Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh (IPA), thời gian đầu, Quảng Ninh mở rộng chính sách thu hút đầu tư, nên các nhà đầu tư dễ dàng xin đầu tư mà không bắt buộc phải chứng minh năng lực tài chính thông qua việc ký quỹ.

Một số dự án liên quan đến phát triển nhà ở bị chậm tiến độ nhiều năm nay như Dự án Đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng Khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh B của Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Hà Nội, Dự án Khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh C của Công ty cổ phần Phát triển Dự án Biển Đông...

Ngoài ra, còn có nhiều dự án bị chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng như: Dự án Khu biệt thự đồi truyền hình phía Đông cầu Bãi Cháy, phường Hồng Gai và Dự án Xây dựng - kinh doanh hạ tầng Khu dân cư đô thị mới đảo Sa Tô, phường Cao Xanh đều của Công ty TNHH một thành viên Xây dựng công trình 507; Dự án Khu biệt thự đồi 368, Bãi Cháy do Công ty cổ phần Việt Mỹ triển khai; Dự án Khu đô thị mới trung tâm phường Yên Thanh (Uông Bí) của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long...

Theo ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long, có hai yếu tố chính dẫn đến việc chậm có mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Thứ nhất là do chính sách đền bù liên tục thay đổi, nên người dân có tâm lý “chờ thời”, đợi giá lên cao mới chấp nhận đền bù. “Chúng tôi đã triển khai thanh toán tiền đền bù cho các hộ dân, nhưng phía chính quyền địa phương không thực sự vào cuộc cùng doanh nghiệp để giải phóng mặt bằng”, ông Thắng nói về lý do thứ hai và cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch theo quy hoạch chung nhiều lần cũng là một nguyên nhân khiến một số dự án chậm triển khai.

Trong số 24 dự án khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại được triển khai trên địa bàn TP. Hạ Long, thì đến thời điểm này, số dự án được triển khai, hoàn thiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đặt biệt, Dự án Khu khách sạn, biệt thự cao cấp và vui chơi giải trí tại đồi khu 8A, phường Bãi Cháy của Công ty cổ phần Monaco được phê duyệt dự án từ năm 2005, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Khu biệt thự khách sạn Sông Đà do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu đô thị sông Đà được cấp phép từ năm 2003, nhưng sau 11 năm thi công mới hoàn thiện được phần thô, gây mất mỹ quan Khu du lịch Bãi Cháy.

Tuy nhiên, bên cạnh hàng loạt dự án chậm triển khai, vẫn có những điểm sáng như: Dự án Khu dân cư du lịch Đông Hùng Thắng của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long; các dự án căn hộ cao cấp Green Bay Towers, Khu đô thị Hạ Long Marina, Tổ hợp thương mại và dịch vụ Halong Marine Plaza đều thuộc BIM Group đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Ông Nguyễn Văn Tính, Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản BIM Group cho biết, hiện Khu căn hộ cao cấp Green Bay Towers đã bán được 450/500 căn, Khu nhà liền kề San Hô đã bán được 100/128 căn, Khu phố Little đã bán được 70/80 căn… “Giá các căn hộ này dao động từ 13 đến 18 triệu đồng/m2, phù hợp với khả năng tài chính của người mua nhà. Bên cạnh đó, các hạng mục như: điện, nước, đường và các tiện ích như công viên, cây xanh, bể bơi, nhà để xe, khu vui chơi giải trí được triển khai đồng bộ, đã tạo ra sức hút mạnh và niềm tin với người mua”, ông Tính cho biết.

Tháng 10 vừa qua, Dự án Trung tâm thương mại Vincom Center Hạ Long của Vingroup đã được khánh thành sau đúng 10 tháng thi công. Được thiết kế theo phong cách Hoàng gia châu Âu sang trọng, công trình bao gồm 4 tầng nổi và 1 tầng hầm, với tổng diện tích sàn lên tới hơn 37.000 m2, 4 mặt tiếp giáp đường lớn và nằm trong khu vực đông dân cư nhất của Hạ Long. Với vị trí đắc địa và uy tín của chủ đầu tư, chỉ sau một thời gian ngắn chào thuê, hơn 95% diện tích mặt sàn của Dự án đã được lấp đầy, với hàng trăm thương hiệu nổi tiếng, từ thời trang, phụ kiện đến đồ gia dụng, nội thất, ẩm thực...

Ngoài ra, cũng phải kể tới Dự án Trung tâm Thương mại và Đại siêu thị Big C Hạ Long do Công ty cổ phần Bất động sản Việt - Nhật làm chủ đầu tư, được khởi công tháng 5/2013 tại TP. Hạ Long, đã được đưa vào hoạt động từ cuối tháng 4 năm nay. Hay Dự án Khách sạn Mường Thanh Thanh Niên của Công ty Xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên, được thiết kế theo tiêu chuẩn 5 sao, với quy mô 509 phòng nghỉ và một nhà hàng có thể phục vụ 1.000 thực khách, đã được khánh thành cuối năm 2013 sau đúng 1 năm xây dựng.

Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá

Ông Nguyễn Văn Đọc cho biết, theo Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng vùng của tỉnh Quảng Ninh mới được công bố, thì không gian kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới được tổ chức theo hướng “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” và đây là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các quy hoạch chiến lược của tỉnh. Theo đó, Hạ Long, Cẩm Phả, Hoành Bồ sẽ là tâm của sự phát triển, quy hoạch (còn gọi là “tâm” Hạ Long).

“Với quy hoạch cụ thể, rõ ràng này, nhà đầu tư sẽ yên tâm triển khai dự án và có lộ trình đầu tư cụ thể, tránh được tình trạng vừa đầu tư, vừa điều chỉnh quy hoạch theo quy hoạch chung của tỉnh như trước đây, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ”, ông Hùng khẳng định.

Bên cạnh đó, năng lực tài chính của nhà đầu tư sẽ được kiểm tra chặt chẽ. Bởi với quy định mới (Quyết định số 3288/2012/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 để quản lý các dự án có sử dụng mặt đất, mặt nước trên địa bàn tỉnh), các nhà đầu tư khi đăng ký đầu tư sẽ phải tiến hành ký quỹ và đây là yêu cầu bắt buộc để chứng minh khả năng tài chính của chủ đầu tư.

Nắm bắt được cơ hội đầu tư mới, dựa trên quy hoạch cụ thể và sự phát triển của ngành du lịch Quảng Ninh với sự tăng trưởng đều qua các năm, Tập đoàn Tuần Châu đã hợp tác cùng Công ty cổ phần Him Lam tái khởi động Dự án sân golf Tuần Châu - Hạ Long (đã được cấp phép từ năm 2008) có số vốn đầu tư là 1.500 tỷ đồng, bằng lễ động thổ hôm 30/10/2014 và cam kết sẽ hoàn thành dự án trong vòng 3 năm.

Trước đó ít lâu, trong ngày công bố 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh Quảng Ninh, những tên tuổi lớn như Vingroup, Sun Group đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện dự án mới trong lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại. Vingroup tiếp tục đầu tư Dự án Khu dịch vụ du lịch cao cấp, trong đó có các dự án thành phần: bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế, khách sạn cao cấp và các loại dịch vụ khác tại TP. Hạ Long. Dự kiến, tập đoàn này sẽ ưu tiên đầu tư hạng mục bệnh viện với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.

Còn Sun Group sẽ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái tại đảo Minh Châu - Quan Lạn thuộc Khu kinh tế Vân Đồn, với tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng. Hai dự án khác của Sun group đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư là Công viên đại dương Hạ Long (TP. Hạ Long) và Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh (TP. Cẩm Phả) có diện tích 730 ha. Tổng mức đầu tư của hai dự án là 9.500 tỷ đồng.

Dễ dàng nhận thấy, các dự án mới được thực hiện tại Quảng Ninh đều tập trung ở phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và thương mại. Khẳng định về sức hấp dẫn của phân khúc này, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup nói: “Trong kế hoạch phát triển trên 1 triệu m2 mặt bằng bán lẻ hiện đại, Vincom Center Hạ Long là địa điểm mở rộng đầu tiên ngoài Hà Nội và TP.HCM. Chúng tôi nhận thấy, Quảng Ninh nói chung và Hạ Long nói riêng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ và thương mại”.

Một nhà đầu tư nước ngoài khác cũng quan tâm tới mảng bất động sản này là Tập đoàn Xi măng Hạnh Phúc (Đài Loan) với Dự án Xây dựng khu du lịch sinh thái đảo Hoàng Tân (thị xã Quảng Yên). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 1 tỷ USD. Đầu tháng 10 vừa qua, tập đoàn này đã trình phương án điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với quy hoạch tổng thể của tỉnh Quảng Ninh và phù hợp với nhu cầu đầu tư của Tập đoàn.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư