Nhiều công trình nhà ở trong khu tái định cư, dù ở trung tâm thành phố hay ngoại thành đều có mẫu số chung xuống cấp nghiêm trọng chỉ sau một vài năm sử dụng mà không được tái sửa chữa, cho dù ban quản lý tòa nhà vẫn thu tiền dịch vụ đủ.
Chưa phù hợp với đa số hộ
Là dự án lớn, khu đô thị mới Thủ Thiêm tính đến ngày 14/4 có 1.064 hồ sơ chờ bố trí tái định cư (960 hồ sơ nhận căn hộ chung cư và 104 nhận nền đất). Theo số liệu từ Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, hiện các dự án trong chương trình 12.500 căn hộ tái định cư sắp hoàn thiện.
Nhiều dự án tái định cư vẫn trong tình trạng hoang hóa
|
Dự kiến, chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà thành 2 đợt trong tháng 4 và tháng 6/2014. Khi mọi chuyện tưởng chừng “xuôi chèo mát mái”, thì thực tế đến thời điểm này, tại dự án tái định cư còn rất nhiều vấn đề.
Trong số 960 hồ sơ nhận căn hộ chung cư có 453 hồ sơ chọn vị trí, 196 chưa chọn vị trí (một số đã gửi tiền vào ngân hàng, một số đang tranh chấp khiếu nại) và 311 hồ sơ không đủ điều kiện. Về 104 hồ sơ nhận đất nền, đã có 78 hồ sơ chọn khu tái định cư 90 ha Nam Rạch Chiếc và 26 hồ sơ chưa chọn được vị trí định cư.
Theo UBND quận 2, dự kiến trong năm 2014 sẽ tiếp nhận 1.792 căn hộ để bố trí cho các hộ dân bị di dời. Còn đối với 500 nền đất dự kiến bố trí định cư tại 30 ha Nam Rạch Chiếc hiện vẫn chưa hoàn tất hạ tầng kỹ thuật. Thực tế, căn hộ bỏ trống tại 2 khu trên vẫn còn rất nhiều và tình trạng hoang hóa tại đây không thiếu.
Hay trường hợp tái định cư của các lô IV và VI chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh). Được biết, từ cuối năm 2013, UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao UBND quận Bình Thạnh làm chủ đầu tư và lập dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư di dời khẩn cấp các hộ dân tại đây bằng nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, theo ý kiến một số người dân sống tại 2 lô chung cư trên cho biết, đến nay quyền lợi của họ vẫn chưa được đảm bảo thỏa đáng.
Về mặt chính sách, đối với các hộ dân đủ điều kiện mua nhà theo Nghị định 61/CP, do chung cư Thanh Đa cũ bị nghiêng, lún, có nguy cơ sụp đổ nên chưa được giải quyết mua. Đối với các hộ dân không đủ điều kiện mua nhà theo Nghị định số 61/CP thì xem xét, giải quyết thuê hoặc mua căn hộ chung cư tái định cư theo Nghị định số 34/2013/NĐ-CP. Chính sách rõ ràng như vậy, nhưng trên thực tế áp dụng lại không phù hợp với đa số người dân.
Về nguyên tắc, diện tích bố trí mới được xác định theo nguyên tắc tối thiểu phải bằng với diện tích căn hộ cũ và không phải trả thêm tiền. Nếu diện tích căn hộ mới lớn hơn thì phần diện tích chênh lệch được bán hoặc cho thuê theo giá thị trường… Tuy nhiên, phần diện tích tăng thêm luôn nhiều hơn so với diện tích được quy đổi nên phần nhiều cư dân phải đóng thêm khoản chênh lệch lớn.
Ví dụ, một hộ được bồi thường 40 m2 nhưng lại được sắp xếp mua căn hộ 60 m2, vì vậy sẽ phải trả khoản tiền chênh lệch lớn cho 20 m2 còn lại. Do đó, người thuộc diện tái định cư thường chủ động bán lại suất cho người khác do không đủ tiền trả.
Còn đối với những hộ dân có điều kiện về kinh tế, họ cũng chọn hình thức nhận tiền và sang tay căn hộ hoặc cho thuê rồi quay lại khu vực sinh sống cũ để tiện việc làm ăn. Bởi có những dự án nằm quá xa, không đủ điều kiện sống tốt như môi trường cũ.
Chính vì vậy, dù đã bàn giao nhà từ năm 2010 nhưng đến nay, khu tái định cư tại Vĩnh Lộc A (Bình Chánh) chỉ có chưa đến 200 căn hộ có người dân đến ở, trong khi dự án tái định cư để giải quyết nhu cầu ở cho khoảng 4.200 người. Nhiều hộ dân nhất quyết không chịu về đây do quá xa nơi ở cũ, xa trung tâm thành phố.
“Tháo chạy” khỏi dự án
Chuyện sang nhượng suất tái định cư là không mới. Dù không có số liệu chính thức, dự án Mỹ Đức (Quận Bình Thạnh) được cho là sang tay nhiều nhất. Nguyên nhân cũng vì nơi đây có vị trí đẹp, nằm ngay trung tâm thành phố nên phần lớn người có tiền mua lại suất tái định cư tại đây với chênh lệch dao động 100-300 triệu đồng.
Theo anh Bình (đang ở khu tái định cư Mỹ Đức), giá nhà tái định cư trước đây tại Mỹ Đức khoảng 800 triệu đồng/căn, trừ đi số tiền được đền bù, tùy diện tích người được suất tái định cư thường nợ lại ngân hàng một vài trăm triệu đồng, trả dần 5-10 năm không lãi suất. Tuy nhiên, phần lớn người dân tái định cư đều sang tay bán cho người khác với giá khoảng 1,2-1,5 tỷ đồng một căn.
“Bây giờ, gần như những người ở tại Mỹ Đức đều là các gia đình có tiền chứ những hộ dân thuộc diện tái định cư không còn nhiều. Tuy nhiên, thời gian qua, các căn hộ đã sang nhượng cũng liên tục được rao bán. Vì chỉ trong thời gian ngắn, công trình xuống cấp rất nhanh. Nền móng chung cư sụt lún gây nứt tường nhiều căn hộ ở trên cao. Cộng thêm chuyện giấy tờ chủ quyền nhiều năm vẫn không được cấp khiến người dân sinh sống tại đây bất an”, anh Bình chia sẻ.
Quả thật, không chỉ Mỹ Đức mà nhiều chung cư tái định cư cũ nằm trong khu vực thành phố xuống cấp rất nghiêm trọng. Theo bà Huế - cư dân tại dự án tái định cư, hầu như các lô chung cư tái định cư đều xảy ra tình trạng sụt, lún vỉa hè, thang máy không hoạt động, người dân như sống trên bãi rác, đặc biệt nguồn nước bị nhiễm phèn nặng, chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo…
Rõ ràng, nhiều công trình nhà ở trong khu tái định cư, dù ở trung tâm thành phố hay ngoại thành đều có mẫu số chung xuống cấp nghiêm trọng chỉ sau một vài năm sử dụng mà không được tái sửa chữa, cho dù ban quản lý tòa nhà vẫn thu tiền dịch vụ đủ. Khá nhiều công trình dù đã bàn giao cho người dân nhưng chủ đầu tư “quên” hoàn thành cơ sở hạ tầng của các toà nhà từ ngoại thất đến nội thất.
Trên thực tế, khi được hỏi, bản thân người đại diện cho chủ đầu tư các khu tái định cư trên địa bàn thành phố phải thừa nhận “làm không xuể, thiếu kinh phí”. Sống trong môi trường phải tự bỏ tiền ra sửa nhưng vẫn phải đóng phí dịch vụ hàng tháng, nhiều người dân tại khu tái định cư ngày càng chán nản, sang nhượng lại căn hộ/cho thuê. Cũng chính tâm lý ở thuê không cần giữ gìn càng khiến cho các dự án thêm phần nhếch nhác hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng