Top

33 tỉ USD đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Nên đầu tư vào lúc này?

Cập nhật 10/04/2008 15:00

Tuyến đường sắt Bắc - Nam Hà Nội - Dĩ An (Bình Dương) có tổng vốn đầu tư khoảng 33 tỉ USD đang được các đơn vị chức năng xúc tiến nghiên cứu đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, liệu có nên đầu tư tuyến đường sắt cao tốc này?

Tiến sĩ Trần Xuân Dũng, phó giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông vận tải - Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải VN, nói:

Trước đây, một đơn vị Hàn Quốc đã nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt đôi TP.HCM - Nha Trang và sau đó sẽ nghiên cứu tuyến đường sắt đôi Hà Nội đi Vinh. Tuy nhiên vừa qua theo thỏa thuận giữa Nhật và VN, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch - đầu tư nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt đôi cao tốc Hà Nội (Láng - Hòa Lạc) đến huyện Dĩ An (Bình Dương) với thời gian hành trình 10 giờ. Theo kế hoạch, công trình sẽ được triển khai từ năm 2008 và hoàn thành vào năm 2014 với vốn đầu tư vay ODA.

* Vậy theo ông, có nên làm tuyến đường sắt này?

Tôi cho rằng cần xem xét lại việc xây dựng tuyến đường sắt vào thời điểm này đã hợp lý chưa. Hiện nay chúng ta đã có sẵn tuyến đường sắt đơn với khổ đường sắt 1m, chỉ cần lắp thêm một ray để có thêm khổ đường sắt 1,435m - nghĩa là đã có đường sắt lồng (có ba ray) vừa chạy tàu khổ 1m đang hoạt động vừa chạy tàu khổ 1,435m đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nguồn vốn đầu tư cho dự án này thấp và có thể đưa vào sử dụng nhanh.

* Vấn đề là liệu sử dụng đường sắt lồng có hiệu quả, thưa ông?

Hiệu quả lớn nhất là chúng ta tận dụng được toàn bộ đầu máy toa xe hiện hữu chạy trên đường ray 1m và tiếp tục đầu tư đoàn tàu 1,435m đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng sức chở và vận tốc cao hơn. Hơn nữa, với những tiến bộ khoa học kỹ thuật về tin học đưa vào hệ thống điều khiển tín hiệu tự động cho phép trên một đường ray và trên cùng một cung đường ngắn có nhiều đoàn tàu lưu thông. Ở một số nước đã sử dụng công nghệ tự động và bán cố định để có nhiều đoàn tàu chạy trên một cung đường (không gian), do vậy đã tăng sức vận chuyển hành khách dù chỉ có một đường sắt đơn.

* Có ý kiến cho rằng làm đường sắt đôi là để sử dụng lâu dài, không còn bị động về thời gian chạy tàu và có độ an toàn cao hơn?

Đúng là nếu làm tuyến đường sắt đôi thì quá tốt. Song với số vốn đầu tư quá lớn như trên, tôi cho rằng đó sẽ là một gánh nặng của ngân sách, nhất là trong thời điểm hiện nay. Trong các cuộc hội thảo của ngành đường sắt, chúng tôi đã đề nghị nên làm đường sắt lồng khổ 1m và 1,435m thì kinh phí sẽ thấp hơn nhiều mà vẫn đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa từ 15-20 năm nữa.

* Mục tiêu chính xây dựng đường sắt đôi là để rút ngắn thời gian hành trình còn 10 giờ, trong khi tốc độ đường sắt đơn còn hạn chế. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?



Đường sắt Việt Nam (ảnh chụp tại
thị trấn Hải Lăng, Quảng Trị).

Như chúng ta biết, khi người Pháp thiết kế xây dựng tuyến đường sắt đơn Bắc - Nam có thời gian hành trình 24 giờ (tốc độ tối đa 120km/giờ) đã khảo sát địa chất trên tuyến đường rất tốt. Như vậy với cơ sở vật chất sẵn có, ta chỉ cần lắp đặt thêm đường ray trên nền địa chất đã ổn định, cải tạo một số tuyến đường cong sẽ đưa vào hoạt động ngay tuyến đường sắt mới có thể rút ngắn thời gian hành trình còn 20 giờ.

Như vậy, xây dựng tuyến đường sắt lồng là phù hợp với những đoàn tàu khổ 1,435m sẽ nâng cao được năng lực vận chuyển hành khách đi lại và ngành đường sắt sẽ sử dụng thêm 15-20 năm. Trong thời gian đó, chúng ta sẽ dần dần đổi mới đoàn tàu có khổ 1,435m để thay thế dần đoàn tàu khổ 1m đã lạc hậu và ít nơi sản xuất nên có giá thành rất cao.

* Ông suy nghĩ gì về ý kiến cho rằng làm đường sắt lồng cũng là đường sắt đơn. Do vậy nên chăng làm đường sắt đôi khổ 1,435m từng đoạn như Hà Nội - Vinh và Sài Gòn - Nha Trang để dần dần nối lại?

Tôi cho rằng cần xây dựng đường sắt theo một lộ trình cụ thể và nên có sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Khi tuyến đường sắt lồng đạt năng lực bão hòa - nghĩa là lượng khách đã tăng cao mà ngành đường sắt không thể tăng thêm đoàn tàu trên tuyến đường sắt lồng, lúc đó chúng ta sẽ đầu tư đường sắt đôi và đã có sẵn nhiều đoàn tàu khổ 1,435m đưa vào hoạt động ngay. Vì vậy, nếu đầu tư 33 tỉ USD xây dựng đường sắt đôi mà khi đưa vào sử dụng không mang nhiều hiệu quả về kinh tế thì rất lãng phí. Bởi vì ai cũng biết đầu tư vào ngành đường sắt có lợi nhuận rất thấp. (Tiến sĩ Trần Xuân Dũng)