Sau gần 5 tháng triển khai, gói 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 6%/năm hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà, việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn rất chậm. Trong khi đó lượng căn hộ tồn kho tại TPHCM hiện rất lớn và nhu cầu vay tiền để mua nhà của người dân, doanh nghiệp để hoàn thiện dự án rất cấp bách.
Theo ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, tính đến ngày 15-10, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mới tiếp cận được 179 khách hàng cá nhân, với số tiền 103 tỷ đồng, đã giải ngân được 31 tỷ đồng và chưa có doanh nghiệp nào được vay. Sở dĩ tiến độ triển khai chậm do nguồn vốn chủ yếu của gói tín dụng này là của NHTM, các NH rất thận trọng trong việc xét duyệt các tiêu chí cho vay để đảm bảo khả năng trả nợ.
Hầu hết hồ sơ xin vay được giải ngân do NH tin tưởng vào uy tín của chủ đầu tư, khách hàng bởi pháp luật chưa cho phép khách hàng được thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai. Cụ thể, các phòng công chứng không ký xác nhận đối với căn hộ hình thành trong tương lai nên NH không có cơ sở cho vay.
Thực tế này đang gây bức xúc đối với người có nhu cầu cần vay tiền để mua nhà ở, doanh nghiệp cần vốn triển khai dự án. Lãnh đạo Bộ Xây dựng đã từng đề nghị vay gói 30.000 tỷ đồng không cần chứng minh thu nhập.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Mỹ, Chủ tịch CTCP Xây dựng số 5, NHTM cũng là doanh nghiệp, vốn bỏ ra cho vay phải đảm bảo thu hồi vốn, không bị thất thoát. Trước đó NHNN cũng khẳng định gói 30.000 tỷ đồng, không đặt mục tiêu giải cứu thị trường mà nhằm giúp người thu nhập thấp, trung bình trong xã hội cơ hội có một chỗ ở phù hợp. Từ đó tạo niềm tin cho thị trường, làm “ấm” dần phân khúc này và tác động lan tỏa tới các phân khúc khác của thị trường, góp phần điều chỉnh cơ cấu của thị trường bất động sản cho sát với nhu cầu thực của xã hội hơn.
Tuy nhiên, giới kinh doanh bất động sản cho rằng gói 30.000 tỷ đồng đã thất bại do tiền vẫn nằm trong NH, người có nhu cầu vay để mua nhà không vay được, doanh nghiệp cần vốn cũng không có.
BIDV là một trong các NH được giao cho vay theo gói 30.000 tỷ đồng.
|
Đưa ra tiêu chí khách hàng mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2 và giá mua dưới 15 triệu đồng/m2 được vay gói ưu đãi, nhưng theo báo cáo Sở Xây dựng TPHCM, hiện TP còn tồn khoảng hơn 10.000 căn hộ, chủ yếu là những căn hộ có diện tích lớn hơn 70m2, những dự án thương mại có diện tích căn hộ nhỏ hơn 70m2 không nhiều. Như vậy ngoài nguyên nhân thủ tục, cơ cấu sản phẩm cũng được coi là nguyên nhân chủ yếu khiến người có nhu cầu không vay được gói ưu đãi này.
Từ thực tế này, UBND TPHCM đã đề nghị Chính phủ cần điều chỉnh điều kiện cho vay từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Theo đó cho vay đối với căn hộ có diện tích trên 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, nhưng chỉ cho vay lãi suất ưu đãi đối với phần diện tích dưới 70m2, phần diện tích vượt không cho vay; lãi suất giảm 6%/năm xuống còn 3% và tăng thời gian vay lên 15 năm; cho thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để NH cho vay dễ dàng hơn… TP cũng kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng đối với người mua nhà lần đầu.
Tại buổi làm việc với TPHCM về tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cũng như vướng mắc khi triển khai chương trình này, ông Phạm Trung Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, cho rằng TPHCM và Hà Nội là 2 địa phương lớn nhưng triển khai rất chậm.
Hầu hết nguồn vốn giải ngân từ gói 30.000 tỷ đồng thời gian qua tập trung ở các địa phương khác. Để phấn đấu làm sao mỗi địa phương phải cho vay được 10.000-12.000 tỷ đồng, đại diện Bộ Xây dựng cho biết đang đề xuất Chính phủ kéo dài gói hỗ trợ và sắp tới sẽ sửa Thông tư 07 theo hướng cán bộ công chức mua nhà xã hội sẽ không cần chứng minh thu nhập, chỉ một số đối tượng phải xác nhận tại nơi làm việc.
Và từ diễn biến thực tiễn ở 2 TP lớn, NHNN cũng sẽ xem xét kiến nghị Chính phủ điều chỉnh điều kiện để đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ gói kích cầu này. Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết trong thời gian qua Sở Xây dựng tiếp nhận khá nhiều hồ sơ của doanh nghiệp xin chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, đến nay TP mới duyệt cho 3 dự án chuyển từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội, một dự án nhà ở chuyển sang làm bệnh viện. Các dự án xin chẻ nhỏ căn hộ chưa được duyệt do cần phải tính toán lại về mật độ dân số, hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng lo ngại nếu không kiểm soát đồng vốn cho doanh nghiệp vay từ gói 30.000 tỷ đồng, có thể dẫn đến sử dụng sai mục đích, dẫn đến tình trạng dư thừa nhà ở xã hội.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Tài Chính