Sau khi phục hồi khá mạnh trong những tháng đầu năm, cổ phiếu bất động sản lại tụt dốc không phanh. Đây là một chỉ báo cho thấy thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn và vẫn chưa được kỳ vọng nhiều.
Kỳ vọng của nhà đầu tư vào thị trường bất động sản không mấy sáng sủa. Ảnh M. Thảo
|
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/09/2013, VN-Index ở mức 477,73 điểm, tăng 14,28% so với đầu năm.
Nếu xem VN-Index là đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam thì có thể xem đây là một mức tăng khá ấn tượng, thậm chí nằm trong nhóm đầu về thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới.
Tuy nhiên, thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam lại khá ảm đạm khi thanh khoản sụt giảm mạnh và phần lớn nhà đầu tư thờ ơ và dần dần rời bỏ thị trường.
Nhóm cổ phiếu bất động sản không phải là ngoại lệ, sau thời điểm giao dịch đầy hưng phấn và đạt đỉnh vào giữa năm đã quay đầu giảm không phanh bất chấp thị trường bất động sản có tín hiệu tích cực hơn.
Cổ phiếu “hot” trong ngành bất động sản là SCR của Sacomreal đã tăng từ mức 4.000 đồng vào cuối năm 2012 lên mức đỉnh 10.100 đồng/cổ phiếu vào ngày 20/02 nhưng sau đó liên tục giảm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/09, giá cổ phiếu SCR chỉ còn 5.000 đồng/cổ phiếu.
Sacomreal là một trường hợp điển hình của tình trạng bi đát các doanh nghiệp bất động sản. SCR dù đã bán được một phần cổ phiếu công ty Tân Thắng và thu được lợi nhuận khá lớn nhưng báo cáo hợp nhất quý 2 vẫn lỗ tới 46 tỷ đồng.
Một đại gia khác trong ngành bất động sản rơi vào tình trạng bi đát không kèm là Công ty CP ĐT PT Đô Thị & KCN Sông Đà (SJS) sau khi thua lỗ 2 năm liên tiếp 2011 và 2012 đã bị xếp vào nhóm hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong phiên đóng cửa).
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm SJS đã có lợi nhuận 24 tỷ đồng nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm không phanh. Cụ thể, giá cổ phiếu SJS rơi từ mức hơn 40.000 đồng/CP tháng 4 năm 2012 xuống còn chỉ 22.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2012. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/09, giá cổ phiếu SJS chỉ còn 9.200 đồng cổ phiếu.
Cổ phiếu bất động sản được nhiều người quan tâm khác là Cổ phần Đầu tư Công nghiệp Tân Tạo (ITA) cũng đã biến động khá mạnh trong thời gian. Cổ phiếu ITA từ mức đáy 3.500 đồng/CP đã phục hồi một cách thần kỳ lên mức 8.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 07/02/2013. Tuy nhiên, cũng từ thời điểm đó đến nay cổ phiếu ITA không ngừng lao dốc và hiện tại chỉ còn 5.500 đồng/cổ phiếu.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự là rất nhiều cổ phiếu lớn bất động sản khác như BCI, VPH, HQC, PVL… Các cổ phiếu này đều có một khoảng thời gian phục hồi rất mạnh so với thị trường nhưng trong mấy tháng vừa qua không ngừng lao dốc.
Một nhóm cổ phiếu liên quan đến ngành bất động sản không thể không nhắc đến là cổ phiếu của những công ty bất động sản, xây dựng trước đây thuộc của Tổng công ty nhà nước như cổ phiếu họ Sông Đà, Vinaconex, Lilama, Dầu khí… có giá phổ biến chỉ còn từ 2.000 – 5.000 đồng.
Phần lớn những doanh nghiệp này đều có tình trạng tài chính hết sức bi đát. Các doanh nghiệp này đều có đòn bẩy tài chính cao và doanh thu sụt giảm nên rất khó khăn. Đặc biệt, triển vọng của những doanh nghiệp này cũng không mấy sáng sủa khi mà đầu tư trong nền kinh tế đang sụt giả, khó khăn.
Qua bức tranh của cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản cho ta thấy kỳ vọng của nhà đầu tư về thị trường không mấy sáng sủa. Làn sóng tháo chạy khỏi thị trường bất động sản ngày càng hiện diện rõ nét.
DiaOcOnline.vn - Theo Diễn đàn đầu tư