Trước những băn khoăn của nhiều bạn đọc về việc ở nhà chung cư thì cúng cô hồn ở đâu?, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà - Phó giám đốc Trung tâm Unesco nghiên cứu và ứng dụng văn hoá Á Đông, Phó chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý - Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người cho rằng, cúng cô hồn vào tháng 7 của người Việt là dịp người ta dành để cúng tế các vong hồn không có người thân chăm sóc, lang thang. Nhưng gia tư không nên tự cúng cô hồn và ở nhà chung cư hay tập thể cúng cô hồn là không nên.
Ngay cả người cúng cô hồn cũng đòi hỏi phải là người có pháp lực, am hiểu về luật âm dương mới có thể cúng chứ không thể gia chủ tự làm. Ở nhà mình khấn nôm không đạt. Nhà ở chung cư nếu có muốn cúng cô hồn thì nên gửi lòng thành của mình vào đình, chùa để các sư thầy làm một khóa lễ hay mời cao tăng, pháp sư hiểu biết nghi lễ lập một đàn tràng cúng tại nhà nếu gia chủ phát tâm lớn. Còn tốt nhất ở nhà chỉ nên làm lễ cúng gia tiên.
Cúng cô hồn nên thực hiện ở chùa để an toàn. Ảnh TL
|
“Mọi người cần phân biệt cúng cô hồn và cúng lễ Vu Lan là hai lễ khác nhau thì sẽ không thực hiện sai cách. Do nhiều người nhầm lẫn hai lễ này là một nên mới thực hiện cúng cô hồn ở nhà. Ngày Rằm tháng 7 (Âm lịch) được gọi là ngày “Báo hiếu cha mẹ” tức lễ Vu Lan nhưng cũng là ngày “Xá tội vong nhân” tức lễ cúng Cô hồn.
Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng. Vu lan báo hiếu làm mâm cơm, quần áo, muối cúng gia tiên. Cúng cô hồn phải lập một đàn tràng hoặc ở chùa, miếu hoặc đình... Vào tháng 7 rất nhiều chùa tổ chức cúng cô hồn vào một ngày nhất định từ đầu tháng tới rằm” – ông Nguyễn Cung Hà nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia tâm linh, với lễ cúng cô hồn không được cúng đồ mặn mà nên cúng chay. Dân gian cho rằng cúng đồ ăn mặn sẽ khơi dậy “tham, sân si” ở các vong khiến họ không thể siêu thoát quấy nhiễu người trên dương thế. Đặc biệt một món không thể thiếu là món cháo loãng. Mâm lễ cúng nên đặt ngoài sân, không đặt ở bậu cửa, không quy định hướng lễ.
Hiện rất nhiều người cũng đang truyền nhau không nên ăn các đồ cúng cô hồn vì dễ bị vong nhập vào người. Ông Hà cho rằng, điều này không có cơ sở khoa học. Nếu không ăn thì có thể cho ai đó, chứ không nên vứt các đồ cúng cô hồn là hoang phí vô cùng. Đồ cúng cô hồn phải đổ đi trừ trường hợp không thể ăn được ví dụ ruồi nhặng rơi vào bát cháo lúc cúng. Việc thành tâm, thực hiện đúng cách và mời cô hồn đi, hóa vàng xong thì không phải lo sợ điều gì.
Trong trường hợp cúng cô hồn xong, nếu gia đình gặp nhiều bất an, ngủ không yên giấc, trẻ con hay quấy khóc thì có thể xử lý cách: làm một mâm cơm mặn hoặc chay, hoặc có thể chỉ là hoa quả, có đèn, nước, bánh kẹo, một ít tiền vàng mã dâng lên bàn thờ gia đình, thành tâm khấn vái. Mọi người khấn chư Phật, quan thần linh thổ địa và gia tiên gia đình rằng khi làm lễ cúng cô hồn cứu giúp cho những linh hồn khốn khổ nhưng có sai sót quên không mời đi nên có chúng sinh, cô hồn lai vãng trong nhà không siêu thoát được ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, kính xin “bề trên” phù hộ độ trì dẫn dắt cho các vong này đi về nơi âm giới. Sau đó mọi người thiêu hóa vàng mã.
DiaOcOnline.vn - Theo Gia đình & Xã hội