Phòng ăn là nơi di dưỡng thể chất của con người, cần được thiết kế lợi về âm, với hệ thống kết cấu nội thất - trang thiết bị, đồ dùng phục vụ được đặt trong một mối quan hệ nhất quán, đó là quan hệ tương sinh theo nguyên lý phong thủy…
Phòng ăn phải được thiết kế ở nơi yên tĩnh, thông thoáng, không ẩm ướt, u ám. Ảnh minh họa. |
Loài người có hai phương thức phổ quát và không thể thiếu để “di dưỡng” (nuôi sống), đó là di dưỡng tinh thần (nghỉ ngơi, giải trí, thưởng thức nghệ thuật) và di dưỡng thể chất (ăn uống). Di dưỡng tinh thần thuộc về dương, làm cho con người vui vẻ sảng khoái, thần thái vững vàng ổn trọng. Di dưỡng thể chất thuộc về âm, làm cho da dẻ hồng hào tươi tắn, cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy sức sống.
Di dưỡng thể chất chủ yếu thông qua ăn uống, còn gọi là “tiến vị”. Lương thực thực phẩm, phòng ăn, bàn ăn, bát đĩa, ấm chén… là những nhân tố quyết định đến chất lượng tiến vị; và trong trường hợp bị xung sát, nó sẽ là mầm họa trực tiếp của sức khỏe. Vì thế, thư tịch về y dược, vua chúa phong kiến rất chú trọng đến phong thủy phòng ăn, chất liệu làm bàn ăn, bát đũa, xoong nồi, cốc chén…, trong đó thiết kế phòng ăn, màu sắc, phương vị và cách kê đặt bàn ăn là những yếu tố có ảnh hưởng mang tính quyết định.
Phòng ăn (bàn ăn) có thể đặt ở mọi vị trí ngoài các “tứ chính”: Chính bắc (điểm 0 độ), chính đông (90 độ), chính nam (180 độ) và chính Tây (270 độ). Các cung Tý - Ngọ - Mão - Dậu thuộc tứ chính. Do “tiến vị” đòi hỏi lợi về âm nên nếu điều kiện cho phép, phòng ăn hoặc bàn ăn tốt nhất đặt tại các thiên can và địa chi thuộc âm, như: Quý, Sửu, Ất, Tốn, Tỵ… Cũng có thể đặt phòng ăn, bàn ăn tại các cung ngũ hành thuộc thổ, gồm Thìn - Tuất - Sửu - Mùi.
Phòng ăn phải được thiết kế ở nơi yên tĩnh, thông thoáng, không ẩm ướt, u ám. Đại kỵ phòng ăn bị nắng soi, gió lùa hoặc đặt ở vị trí tương xung với đầu đường, đầu hành lang… Màu sắc phòng ăn phải là những tông màu ấm; kỵ tiếng động lớn, ồn ào náo nhiệt; kỵ phòng quá cao rộng. Ưu tiên phòng ăn hình chữ nhật, hình vuông, hình tròn, hình bầu dục; kỵ hình tam giác, hình thoi hoặc phòng ăn nhiều góc tường, góc nhọn…
Bàn ăn cũng kỵ dùng những loại có góc nhọn, nhất là mặt bàn hình tam giác, hình thoi. Bàn ăn hình tam giác chỉ sử dụng trong trường hợp “lấp” góc nhọn hoặc che góc tường. Phong thủy khuyến khích sử dụng bàn ăn hình tròn, hình bầu dục hoặc các loại bàn mặt hình chữ nhật, bốn góc bàn được “cúp” hoặc “bo” để không còn góc nhọn. Ghế trong phòng ăn gồm vai ghế, tay vịn, mặt và chân ghế đều lấy hình tròn hoặc hình bầu dục làm chủ đạo. Màu sắc bàn ghế trong phòng ăn ưu tiên những tông màu lợi về âm như nâu đỏ, màu cà phê, màu cánh dán…
Theo sách Hải Thượng Lãn Ông: “Mọi chất tinh hoa làm cho con người phương trưởng đều thuộc âm, được cất trữ trong lục phủ. Âm - dương là đường lối của trời đất, là kỷ cương của muôn vật. Âm dương hài hòa là gốc của sức khỏe, là đạo lý trong y trị”. Lục phủ gồm mật, dạ dày, ruột già, ruột non, bàng quang và tam tiêu, đều thuộc dương. Chất tinh hoa chắt lọc từ thức ăn thuộc âm, được đưa vào 6 phủ dương là âm dương hòa hợp.
Thần Nông cũng cho rằng, trùng âm tất sinh dương, trùng dương tất sinh âm. Các chứng thương hàn, thương thử đều từ đó mà ra. Bởi vậy con người không nên lạm dụng những món ăn, gia vị có dương khí mạnh như ớt, tiêu, quế, các món rang khô, rán giòn, rượu… Âm thì tĩnh lặng mà nuôi lớn, dương thì động nhộn mà phát ra. Âm thì tàng ẩn, dương thì sát phạt. Thức ăn có dương khí mạnh cũng như vị trí xây dựng, hình dáng và màu sắc phòng ăn, bàn ghế phục vụ việc ăn uống thịnh về dương khí không có lợi cho “tiến vị”.
Bàn ghế, đồ phục vụ ăn uống có góc nhọn, hình dáng sống động, mằu sắc tươi tắn, thậm chí trò chuyện quá náo nhiệt khi ăn… đều thuộc dương khí thịnh, khi vào 6 phủ dương sẽ khiến “trùng dương sinh âm”. Đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh thương hàn. Hoàng Đế nhận xét: “Không hiểu được nguyên nhân sâu xa của bệnh tật, lại cho rằng thánh nhân giấu bí kíp, hoặc cho đó là điều mê huyễn, thực là ngu dốt vậy…”.
Phòng ăn là nơi sinh hoạt tập thể, không đòi hỏi nặng nề về tuổi tác, cung mệnh. Nhưng nếu điều kiện cho phép, có thể chọn đặt ở vị trí tương sinh hoặc tương hòa với mệnh phong thủy của chủ nhà. Người đông tứ mệnh nên thiết kế phòng ăn, đặt bàn ăn ở các hướng đông, đông nam, chính nam và chính bắc. Người tây tứ mệnh đặt tại các hướng đông bắc, tây nam, chính tây và tây bắc.
Kê đặt bàn ăn cần lưu ý: Bàn ăn không được phép đối xứng với cửa chính hoặc nằm trên trục thần đạo của ngôi nhà. Không kê bàn ăn đối xứng với các ban thờ, đặc biệt là ban thờ thần tài, ban thờ phật. Nếu ban thờ đặt ở phòng khách, bàn ăn phải kê thấp hơn ban thờ. Trường hợp bất đắc dĩ, trước ban thờ cần có bình phong ngăn cách. Không kê bàn ăn ngay dưới thượng lương, xà ngang hoặc dầm trần nhà. Không kê bàn ăn ở nơi thiếu sáng, ẩm thấp. Góc bàn ăn nên tương ứng với góc tường. Không kê bàn ăn ngay dưới cửa sổ, nơi thông gió mạnh, gần cửa phòng vệ sinh...
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động