Top

Rằm tháng Bảy có nên cúng chúng sinh tại nhà?

Cập nhật 27/08/2015 11:36

Cúng chúng sinh là một hoạt động tâm linh, phổ biến vào tháng Bảy (Âm lịch) nhằm làm phúc cho các cô hồn lang thang. Nhưng nếu gia chủ không biết cúng sẽ vô tình rước “vong” vào nhà. Vậy có nên cúng chúng sinh hay không? Nếu cúng thì phải cúng thế nào cho đúng?

Gia chủ chỉ nên cúng chúng sinh ngoài trời và khi cúng đóng cửa nhà để cô hồn đến rồi đi, không vào nhà quấy nhiễu. Ảnh: T.G

Cúng cô hồn ở đâu?

Theo ông Nguyễn Cung Hà (Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và Ứng dụng văn hóa Á Đông, Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý - Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người), tháng Bảy (Âm lịch) có hai lễ lớn là lễ Vu Lan và lễ cúng chúng sinh, hai lễ này hoàn toàn khác nhau.

Lễ Vu Lan gắn với tích về Mục Kiền Liên cứu mẹ. Dân gian làm lễ Vu Lan nhằm cầu siêu cho gia tiên siêu thoát, tưởng nhớ đến công đức sinh thành của cha mẹ, tổ tiên.

Lễ cúng cô hồn là bố thí thức ăn cho những vong hồn không ai thờ cúng (như bị chết oan, chết đói khát, bom đạn… lưu vong đất khách quê người... và rất nhiều vong hồn dạng này nên còn gọi là cúng chúng sinh).

Dịp lễ, Tết, cúng giỗ thường có mâm cỗ cúng cô hồn, nhưng lớn nhất là Rằm tháng Bảy, trùng với lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo nên nhiều người nhầm hai lễ này là một, còn hiểu sai về cách cúng cô hồn.

Theo quan niệm dân gian, tháng “cô hồn” được tính từ 1/7 (Âm lịch) đến hết tháng, nhưng nhiều người chọn vào ngày Rằm tháng Bảy là thời điểm tất cả các vong hồn được về nhân giới, trong đó có rất nhiều quỷ đói. Dịp này người dương gian cúng đồ ăn để không bị ma quỷ quấy nhiễu. Nhưng không phải vong hồn nào cũng thiện chí nhận đồ cúng, có những vong không hài lòng thì phá phách, quấy nhiễu gia chủ.

Theo bà Trịnh Thị Lan (Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người), người dân nên cúng cô hồn tại chùa, điện, phủ hoặc có thầy cúng, bởi việc cúng cô hồn rất phức tạp, không biết mời cô hồn đi là gia chủ tự rước vong vào nhà quấy nhiễu gia đình, chứ không phải được cô hồn phù hộ như nhiều người lầm tưởng. Thực sự chỉ có gia tiên mới phù hộ con cháu. Còn cô hồn được mời ăn uống thì đến, ngon thì lần sau đến tiếp và đến nhiều hơn, không ngon thì họ chê, phá.

Chỉ có chùa, đền, điện, miếu, phủ có sư, có thầy đủ pháp, năng lực dụ ma quỷ ăn uống, nghe tụng kinh để giác ngộ quy Phật. Còn phần lớn người dân thực hiện theo mê tín và hậu quả là khó lường. Việc cúng cô hồn không đúng cách không chỉ lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc mà làm đảo lộn trật tự nơi âm giới (vì chúng sinh chỉ được đến những nơi đúng luật giới để hưởng thức ăn, đồ dùng, nay con người tùy tiện cúng lễ nên họ đến nhà dân nhiều, quấy nhiễu dương gian).

Việc bố thí cô hồn phương pháp đúng là cầu nguyện cho họ sớm siêu thoát. Việc cầu siêu cũng cần phải có năng lượng mạnh của các bậc tu hành đắc đạo mới làm được. Những người tu hành chưa tới thì không đủ năng lực cầu siêu dù họ cũng đọc chú đúng và đủ, cũng thiết tha thương cảm, cầu nguyện…

Nên cúng vào buổi chiều tối

Trong trường hợp nhiều gia đình không đăng ký được các khóa cầu siêu, cúng chúng sinh tại chùa và muốn làm ở nhà, bạn nên làm theo thứ tự sau: Đi chùa buổi sáng làm lễ cầu siêu, báo hiếu gia tiên. Sau đó về nhà thắp hương tưởng nhớ người đã mất. Chiều tối - theo dân gian thời điểm này nắng đã nhạt, các vong hồn mới dễ dàng tụ lại nhận được đồ mà các gia chủ cúng bố thí cho.

Đồ cúng cô hồn có hương, hoa, đèn, gạo, muối, nước, xôi, bỏng nẻ, giờ có thêm bim bim, ít trái cây… nhưng không thể thiếu món cháo loãng, nước mía.

Không nên cúng đồ mặn, không cúng xôi gà vì dân gian cho rằng cúng đồ ăn mặn sẽ khơi dậy “tham, sân, si” khiến cô hồn khó siêu thoát, mà cứ quanh quẩn quấy nhiễu người trên dương thế (nhà chùa, nhà theo đạo Phật thường cúng chay). Kết thúc lễ cúng cô hồn là vãi gạo, muối tứ phương tám hướng. Tránh rắc vào trong nhà vì dân gian cho như vậy là đưa vong vào nhà.

Lưu ý là khi cúng cô hồn tại nhà thì mâm lễ phải đặt ở ngoài sân, ngoài đường, không quy định hướng lễ. Tuyệt đối không đặt ở bậu cửa và chỉ thực hiện sau khi thực hiện các khóa lễ cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và phóng sinh. Dân gian cũng quan niệm người cúng không nên ăn đồ cúng cô hồn, không đem đồ cúng đó vào nhà (nếu không ai giành giật thì bỏ vào túi cho người ăn mày).

Các nhà tâm linh khuyên, khi thực hiện lễ cúng “cô hồn”, mọi người dân cần lưu ý:

- Chỉ nên cúng chúng sinh ngoài trời, khi cúng đóng cửa nhà (nhà có ngõ thì mở cửa ngõ), để cô hồn đến rồi đi, không vào nhà quấy nhiễu.

- Nên cúng buổi chiều, tối và không nên cúng sau 21 giờ thì các cô hồn mới dễ nhận được đồ cúng.

- Cúng chúng sinh xong, đốt đồ mã ngay tại chỗ để các cô hồn nhận và đi ngay.

- Cúng chúng sinh xong vẩy muối gạo ra xa 8 hướng bố thí và tán vong.

- Không cho trẻ con, phụ nữ có thai và người già có mặt khi cúng cô hồn, vì dễ bị cô hồn trêu chọc.

Tục cúng cô hồn còn gọi là "Phóng diệm khẩu" (quỷ đói miệng lửa), bắt nguồn từ Trung Quốc, gọi là lễ cúng bố thí và cầu nguyện cho các vong hồn chúng sinh vật vờ, không người cúng giỗ. Theo tích xưa, ông Anan được một ngạ quỷ miệng nhả ra lửa cho biết ba ngày sau sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa. Muốn thọ thì phải cúng thí cho ngạ quỷ. Về sau dân gian nói trại đi thành “cúng cô hồn”, là dịp tha tội cho tất cả những người chết (xá tội vong nhân) hoặc cúng thí cho những vong hồn vật vờ. Việt Nam là cả tháng Bảy, không ấn định riêng ngày nào. Nhưng phần lớn làm vào Rằm tháng Bảy cho tiện.

Đại đức Thích Nhật Thiện

(Ban trụ trì chùa Giác Ngộ, quận 10, TP HCM)

DiaOcOnline.vn - Theo Gia đình & Xã hội