Top

Nhiều “khái niệm” chưa rõ, Việt kiều khó mua nhà

Cập nhật 30/05/2013 15:07

Việt kiều là đối tượng được mua và sở hữu nhà ở, song những vướng mắc về thủ tục, giấy tờ cũng như việc áp dụng luật thiếu thống nhất tại một số địa phương đã làm hạn chế số lượng người mua, không hút được dòng vốn từ nguồn khách hàng này.

Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, tính đến hết tháng 2/2013, mới chỉ có 427 trường hợp người VN định cư ở nước ngoài, cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà ở tại VN. Số lượng này quả là khiêm tốn, nhất là sau năm 2009, những điều khoản liên quan trong Luật Nhà ở và Luật Đất đai đã được sửa đổi nhằm khuyến khích các đối tượng này mua nhà tại VN.

Quy định không thống nhất

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, trong đó, nổi cộm là các quy định pháp luật không thống nhất và việc hiểu, áp dụng sai gây ra rào cản về thủ tục và tâm lý cho Việt kiều, người nước ngoài. Ông Tạ Nguyên Ngọc - Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp về công tác cộng đồng Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao khẳng định, Luật Nhà ở cho phép kiều bào định cư ở nước ngoài mà được phép cư trú tại VN từ 3 tháng trở lên được mua, sở hữu nhà, đất ở không hạn chế. Thế nhưng trong thực tế, quy định này được các địa phương hiểu “mỗi nơi một kiểu”.

Luật Nhà ở cho phép kiều bào định cư ở nước ngoài mà được phép cư trú tại VN từ 3 tháng trở lên được mua, sở hữu nhà, đất ở

Như tại Hải Phòng, có thời điểm cơ quan chức năng quy định Việt kiều phải định cư mới được mua nhà. Hoặc có địa phương khác lại yêu cầu “đã cư trú đủ từ 3 tháng” hay “phải cư trú cộng dồn trong năm đủ 3 tháng” hoặc “phải cư trú liên tục một chỗ từ đủ 3 tháng”... thì Việt kiều mới được mua nhà, đất ở. Thậm chí, có cơ quan cấp Trung ương cũng chưa hiểu rõ ràng về quy định này. Ví dụ như Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên - Huế có đề nghị Bộ Tư pháp giải thích “cách tính thế nào là tạm trú từ 3 tháng trở lên” thì được Bộ Tư pháp hướng dẫn trong Công văn số 723 ngày 25/1/2013 là “chờ Công văn của Bộ Công an và Bộ Xây dựng”; mặc dù Bộ Xây dựng đã có Thông tư số 16/2010/TT-BXD hướng dẫn rằng: “Không yêu cầu người VN định cư ở nước ngoài phải có thời gian cư trú thực tế từ đủ 3 tháng trở lên mới được sở hữu nhà”, tức chỉ cần kiều bào định cư ở nước ngoài được phép cư trú tại VN từ 3 tháng trở lên.

Bà Đoàn Thị Mỵ - Việt kiều Đức đã từng làm thủ tục mua nhà tại TP Nam Định kể: “Cách đây 3 năm, tôi dùng hộ chiếu để chứng minh đủ điều kiện để làm thủ tục sở hữu nhà nhưng không được. Khi nhập cảnh, trên hộ chiếu của tôi được đóng dấu thời hạn được phép cư trú với mức thông thường là 90 ngày, tương đương với thời hạn 3 tháng. Thế nhưng Phòng Tài nguyên và môi trường TP Nam Định lại giải thích rằng “90 ngày chưa phải là 3 tháng”.

Mắc khái niệm

Ngay trong quy định liên quan đến việc cư trú của Việt kiều cũng chưa thống nhất. Trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai có quy định người có hộ chiếu VN muốn sở hữu nhà phải có Sổ tạm trú (áp dụng cấp cho người cư trú từ 1 năm trở lên) hoặc đến Công an phường để xin cấp Giấy xác nhận đăng ký tạm trú; trong khi Luật Cư trú không quy định việc xin phép cấp tạm trú. Thế nên khi được yêu cầu loại giấy tờ này để làm thủ tục sở hữu nhà, Việt kiều đến phường xin thì không được cấp.

Hay trong chuyện làm thủ tục, có người qua được “cửa” thời hạn cư trú, xong thỏa thuận mua bán nhà rồi lại bị vướng ở khâu làm thủ tục công chứng. Đó là do pháp luật công chứng yêu cầu khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà, sử dụng đất phải làm công chứng hợp đồng và người làm công chứng phải có “giấy tờ tùy thân”. Khổ nỗi khái niệm này chưa được làm rõ, nên có trường hợp công chứng viên yêu cầu Việt kiều phải xuất trình chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn... mà kiều bào không thể đáp ứng được. “Sự “kênh” nhau giữa các quy định này khiến cơ chế khuyến khích Việt kiều, người nước ngoài mua nhà tại VN giống một căn phòng “đã mở rộng cửa nhưng bên trong lại có nhiều ngăn ngách” - ông Tạ Nguyên Ngọc ví von.

Ngoài ra, theo phản ánh của một số doanh nghiệp địa ốc, Bộ Công thương có quy định hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa chủ đầu tư và người tiêu dùng phải đăng ký hợp đồng mẫu với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), trong khi thông Thông tư số 16/TT-BXD của Bộ Xây dựng cũng ban hành hợp đồng mẫu đính kèm, khiến cho người bán và người mua băn khoăn không biết nên áp dụng mẫu nào.

“Việt kiều, người gốc Việt Nam, người nước ngoài cũng là nguồn lực đáng kể trong việc thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước, nhưng số lượng nhà mà nhóm đối tượng này đã mua trong thời gian qua không tương xứng với nguồn lực và khả năng thực tế. Suy cho cùng, nhà cửa cũng là tài sản lớn nên Việt kiều, người nước ngoài trước khi mua chắc chắn cũng phải cân nhắc nhiều, nhất là cả những vấn đề phức tạp hơn người trong nước như thuế má, chuyển nhượng... Để khơi dòng nguồn cầu này, nên chăng, chỉ hạn chế mua nhà ở xã hội đối với Việt kiều, người gốc Việt Nam, người nước ngoài tại VN, còn không nên phân biệt hay hạn chế điều kiện mua, cũng như đơn giản quyền và nghĩa vụ, thủ tục mua bán, sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất”.

Ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup


DiaOcOnline.vn - Theo Giao Thông Vận Tải