Top

Người nước ngoài mua nhà đầu cơ sẽ gây rối loạn

Cập nhật 14/05/2013 09:17

Nhiều ý kiến cho rằng: mở rộng điều kiện cho người nước ngoài chính là cứu cánh cho thị trường BĐS hiện nay. Tuy nhiên, theo TS. Cao Sỹ Kiêm thì đây chỉ là một bộ phận chứ không phải một giải pháp cứu vãn thị trường BĐS.

Trước nhiều ý kiến nên hay không nên mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, PV Báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam.

* Hiện nay, đang có 2 luồng ý kiến về việc cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Ý kiến đồng ý cho rằng  người nước ngoài được mua nhà đất thì thị trường BĐS mới trở nên sôi động, không bị ách tắc, mở rộng hơn nữa. Tuy nhiên cũng có luồng ý kiến không đồng tình, cho rằng sửa đổi luật thì có thể xảy ra tình trạng người nước ngoài họ vào mua hết chỗ này đến chỗ khác, đến khi dân muốn mua không còn. Xin ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Hiện nay, việc thí điểm Nghị quyết 19 đã được thực hiện và những đối tượng người nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam cũng đã rõ. Việc cần làm hiện nay là phải tổng kết lại xem chúng ta đã làm được gì và chưa làm được gì. Từ đó, những vấn đề nào cần được biểu quyết thì phải đưa ra bàn bạc, còn chủ trương cho mở rộng thì Chính phủ đã nói rõ.

Còn đánh giá về việc cho người nước ngoài mua nhà Việt Nam thì có một số điểm lợi như sau: thứ nhất, khi người nước ngoài đến đây làm việc, phục vụ cho đất nước ta thì người ta cần một chỗ để ở và chúng ta cần tạo điều kiện cho họ có động lực, sự yên tâm để người ta tiếp tục phục vụ lâu dài cho đất nước mình.

Thứ hai, người nước ngoài mua để ở nên khi họ đi sẽ không mang theo được mà chỉ có thể nhượng lại, bán lại thôi. Đó vẫn là tài sản của đất nước mình, vẫn là thị trường ổn định chứ không có gì gây xáo trộn.

Thứ ba, trong tình hình khó khăn BĐS như hiện nay thì cho người nước ngoài mua nhà cũng sẽ góp phần làm cho thị trường BĐS sôi động hơn, đặc biệt là những tồn kho BĐS cũng có thêm một hướng giải quyết. Nhà ở cao cấp, trung cấp phù hợp với người nước ngoài vẫn còn rất nhiều, bỏ không thì rất lãng phí, còn nếu sửa đi thì rất tốn kém mà chưa chắc đã phù hợp về mặt công năng, kinh phí.

Nên đấy là những thuận lợi của việc cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những cái lợi đó, còn có những cái có thể không lợi. Ví dụ như khi người nước ngoài mua để đầu cơ thì sẽ gây rối loạn thị trường, làm giá cả không ổn định.

Thế nhưng, trong quy định của chúng ta đã rất chặt, cụ thể là người nước ngoài mua phải ở, còn nếu không ở thì phải bán lại cho Nhà nước hoặc bán lại cho ai đấy, có giấy tờ hẳn hoi.

Bên cạnh đấy, mỗi người chỉ được sở hữu 1 căn nên điều này sẽ khó xảy ra. Từ đó cũng không nảy sinh vấn đề người nước ngoài vì động cơ phá hoại, lợi dụng, gây rối hay kích giá BĐS đi lên. Và thực tế hiện nay cho thấy điều này không có dấu hiệu xảy ra.

* Theo quy định hiện nay, mỗi người nước ngoài chỉ được mua 1 căn hộ chung cư, sở hữu trong vòng 50 năm mà không được mua nhiều hơn và cũng không được mua đất. Vậy theo ông, chúng ta có nên mở rộng hơn những điều kiện này?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Theo tôi, nếu mục tiêu là để ở thì chỉ nên dừng lại ở đó. Để ở thì mua 2, 3 căn để làm gì? Và đã để ở thì chung cư là được rồi, đâu cần phải mua đất. Còn thời hạn sở hữu 50 năm thì theo tôi cũng đã là tương đối. Còn nếu muốn hơn thì chúng ta cũng có thể gia hạn thêm 50 năm nữa là 100 năm, không có gì cả.

* Việc mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam có phải là một giải pháp để cứu thị trường BĐS hiện nay không, thưa ông?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Theo tôi nó chỉ là một bộ phận thôi chứ không phải là một giải pháp để cứu vãn thị trường BĐS Việt Nam. Vì thực tế đối tượng này không phải là nhiều. Và việc giải quyết thị trường BĐS Việt Nam phải bao gồm nhiều yếu tố, chứ không phải mỗi việc cho người nước ngoài mua nhà như thế này. Điều chúng ta đang làm chủ yếu thể hiện chính sách, sự thông thoáng để hút chất xám, hút đầu tư, hút thị trường... còn việc giải quyết nhà cũng chỉ ở một mức độ nào đó.

Tất nhiên, đây cũng là một kênh chúng ta phải khai thác để giải phóng thị trường, giải phóng tồn kho BĐS nhưng nó chưa phải là yếu tố quyết định, làm nghiêng ngả thị trường BĐS.

* Vậy trong kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khoá 13 tới đây, liệu việc sửa đổi Nghị quyết 19 có được đưa ra để bàn luận không, thưa ông?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Tôi nghĩ là không. Vì trước đây Quốc hội đã họp bàn về vấn đề này và đã thông qua 5 đối tượng người nước ngoài được phép mua nhà ở tại Việt Nam. Còn hiện nay, Chính phủ đã chủ trương, yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy nhanh việc bán nhà cho ngoài nước ngoài hơn nữa chứ không phải là chỉnh sửa. Nếu chỉnh sửa Nghị quyết 19 thì phải do Quốc hội thảo luận rồi chỉnh sửa.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà không thể giải cứu BĐS Việt Nam

GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường

Có mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam hơn nữa thì BĐS vẫn cứ tồn đọng. Đấy không phải là giải pháp để cứu cánh BĐS. Nó làm cho thị trường BĐS có thể có tăng giao dịch nhưng người nước ngoài sẽ không phải là cứu cánh cho thị trường BĐS Việt Nam. Các nhà đầu tư đừng lầm tưởng. Đừng mơ người nước ngoài sẽ ồ ạt nhảy vào mua

TS. Phạm Văn Võ - Phó trưởng khoa Luật thương mại trường Đại học Luật TPHCM

Chúng ta sửa luật nhưng phải mang tính chiến lược lâu dài, đừng coi đấy là một giải pháp để cứu thị trường BĐS hiện nay.

Bởi vì đến một lúc nào đó, khi thị trường BĐS phục hồi, nếu chúng ta sửa luật thoáng quá thì có thể rơi vào tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam mua, sở hữu nhà ở, đẩy giá nhà ở lên cao và người dân Việt Nam không có đủ khả năng chạy theo cạnh tranh với họ. Từ đó có thể gây ra tình trạng người Việt Nam không có cơ hội để sở hữu nhà ở nữa. Cho nên có sửa chính sách này cũng phải gắn liền với một tầm nhìn mang tính dài hạn chứ không phải vì những lý do trước mắt.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt