Ngày 8-11 hàng năm đã được chọn là Ngày đô thị Việt Nam. Nhân “Ngày đô thị Việt Nam” lần đầu tiên (8-11-2008), ông Hoàng Minh Trí, Giám đốc Viện Quy hoạch xây dựng thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã trao đổi với PV Báo SGGP một số vấn đề xung quanh việc phát triển đô thị tại TPHCM.
Có nhà nhưng không hạ tầng kỹ thuật
* “TPHCM đang phát triển đô thị như vết dầu loang”. Điều gì đã làm ông nhận định như vậy?
Những dấu hiệu để nhận biết TPHCM đang phát triển đô thị như… vết dầu loang, biểu hiện ở nhiều nơi, rõ nét nhất là ở các khu dân cư mới. Khu vực An Phú, An Khánh của quận 2 là một ví dụ. Đây là một khu dân cư mới với nhiều biệt thự và nhà phố to, đẹp, nằm ở vị trí khá đắc địa của thành phố là gần sông Sài Gòn, sát đô thị mới Thủ Thiêm nhưng cứ mỗi lần có mưa lớn hoặc triều cường là bị ngập.
Điều này chứng tỏ, người ta cứ xây nhà lan dần ra nhưng chẳng quan tâm đầu tư hạ tầng hoặc có đầu tư song chưa được kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước chung và chưa đáp ứng được yêu cầu của một đô thị mới. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh là điều kiện tiên quyết để phát triển đô thị một cách bền vững. Ngoài An Phú, An Khánh, còn hàng trăm khu dân cư kiểu như vậy đang mọc lên ở TPHCM.
Nhà thì có nhưng hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp, thoát nước hay thậm chí là hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện… thì không có. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các điểm ngập mới phát sinh trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây đều tập trung ở các quận, huyện ven. Theo các nhà chuyên môn về quy hoạch và xây dựng thì kiểu phát triển như vậy là kiểu phát triển của… vết dầu loang.
* Kịch bản phát triển đô thị của thành phố đâu phải như vậy, thưa ông?
Đúng. Bản quy hoạch phát triển đô thị đầu tiên của TPHCM (sau 1975) được phê duyệt năm 1993 đã khẳng định rất rõ: TPHCM sẽ phát triển theo hướng đa trung tâm với các đô thị mới được xây dựng đồng bộ, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Bản quy hoạch phát triển đô thị tiếp theo được phê duyệt vào năm 1998 trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch năm 1993 cũng khẳng định xu hướng phát triển đa trung tâm.
Thành phố lựa chọn xu hướng này vì sẽ giúp thành phố có những khu đô thị mới hoàn chỉnh trên cơ sở tận dụng điều kiện tự nhiên để phát triển một cách hài hòa và bền vững cùng thiên nhiên. Bản quy hoạch phát triển đô thị mới đây nhất của thành phố đang chờ Chính phủ xem xét phê duyệt cũng khẳng định: TPHCM phát triển theo hướng đa trung tâm với các khu đô thị mới như Thủ Thiêm, Tây Bắc thành phố, đô thị cảng Hiệp Phước…
* Theo ông, tại sao lại có sự khác biệt quá lớn giữa quy hoạch và thực tế như vậy?
Điều này rất dễ thấy. Đó là công tác quản lý xây dựng còn nhiều bất cập. Hiện nay, thông qua việc cấp phép xây dựng, các địa phương cũng như ngành chức năng đã quản lý được phần nào việc xây dựng các công trình “nổi trên mặt đất”. Thế nhưng, việc quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì chưa thấy bị giám sát, kiểm tra xem có đúng với quy hoạch hay không. Nếu chủ đầu tư xây dựng không đúng quy hoạch thì cũng chưa thấy có một cơ quan nào có trách nhiệm xử lý hành vi sai trái này. Nhiều chủ đầu tư xây dựng các khu dân cư mới đã lợi dụng bất cập trên để cố tình không đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đúng quy định. Khu dân cư mới An Phú-An Khánh, nhà cửa đẹp nhưng cứ mưa hay triều cường thì bị ngập cũng vì lý do này.
Chỉnh trang đô thị cũ, phát triển đô thị mới đúng quy hoạch
* Là một chuyên gia về quy hoạch, theo ông, phải khắc phục tình trạng này như thế nào?
Trước hết, phải nói rằng cái giá mà chúng ta phải trả để sửa chữa những bất cập ở các khu dân cư phát triển theo kiểu vết dầu loang là rất lớn. Có thể chúng ta sẽ phải “xốc” tất cả lên để làm lại hạ tầng kỹ thuật và cuộc sống người dân nơi đây chắc chắn sẽ bị xáo trộn. Do vậy, vấn đề hiện nay là không được để vết dầu… loang ra nữa. TPHCM phải khoanh vùng ngay những vùng đã “lỡ” phát triển như vậy, không cho phát triển thêm. Những khu vực còn chưa bị vết dầu loang ra tới thì cương quyết không cho phát triển tự phát, nhanh chóng phủ kín quy hoạch và quản lý xây dựng đúng theo quy hoạch cùng các quy định khác liên quan.
* Nhưng hình như vết dầu loang đã… loang ra hết thành phố rồi?
Không hẳn như thế. Tôi thấy còn rất nhiều khu đất đã được giao cho chủ đầu tư nhưng chưa được triển khai xây dựng. Với những khu đất này, địa phương cần quản lý rất chặt khâu xây dựng, đặc biệt quản lý xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tôi được biết có nhiều chủ đầu tư đang tìm mọi cách xây nhà để bán còn hạ tầng kỹ thuật thì bỏ mặc. Tôi đã đến nhiều khu dân cư mới và chỉ thấy có nhà ở và nhà ở. Thoạt nhìn thì đây có vẻ là một sự phát triển thịnh vượng. Thế nhưng, mùa mưa hay gặp lúc triều cường hoặc có một sự cố về giao thông nào đó là “biết đá, biết vàng” ngay…
* Với những khu dân cư đã phát triển theo kiểu vết dầu loang, không lẽ để người dân chịu cảnh sống ngập nước, tắc đường, thiếu hạ tầng kỹ thuật?
Không chỉ với những khu dân cư đã phát triển theo kiểu “vết dầu loang” mà ngay cả những khu dân cư đã phát triển ổn định ở trong khu trung tâm hiện hữu nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa đầy đủ thì thành phố cũng nên có kế hoạch chỉnh trang dần để cải thiện chất lượng sống cho người dân. Vấn đề ở đây là khả năng tài chính để chỉnh trang. Nếu TPHCM chưa thể có ngay nguồn lực ấy thì tạm thời phải chấp nhận thực trạng này. Trong thời gian chờ nguồn vốn đầu tư thì thành phố có thể quản lý các khu dân cư ấy bằng những quy định về xây, sửa, mua, bán nhà theo hướng tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững và không nên để có những xáo trộn lớn trong dân.
Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định 1519/QĐ-TTg ngày 20-10-2008, chính thức công nhận: Ngày 8-11 hàng năm là “Ngày Đô thị Việt Nam” và tổ chức đầu tiên vào ngày 8-11-2008. Đây cũng là “Ngày Đô thị hóa thế giới” đã được tổ chức hàng năm để công nhận, tôn vinh vai trò của công tác quy hoạch. Hiện nay, nước ta đã có 743 đô thị các loại. Dân số đô thị đạt gần 30% dân số toàn quốc. Theo định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến 2020, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam sẽ đạt tới 45% dân số toàn quốc.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng