Bản quy hoạch tổng thể xây dựng TPHCM được phê duyệt năm 1993 đã chỉ ra Thủ Đức là hướng phát triển chính cho TPHCM, còn Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn là các hướng phát triển phụ. Lúc đó, hướng phát triển ra Thủ Thiêm còn được cân nhắc vì những lo ngại về điều kiện đất đai, hạ tầng kỹ thuật và môi trường.
Tuy còn mang tính khái quát song ngay thời điểm ấy, bản quy hoạch cũng đã khẳng định: “Việc xây dựng thành phố cần tránh khuynh hướng tập trung dân quá mức, phát triển quy mô thành phố quá lớn”.
Đến bản quy hoạch chung TPHCM được phê duyệt năm 1998, các hướng phát triển đã rõ ràng hơn. Hướng phát triển chủ yếu của thành phố là về phía Đông Bắc (Thủ Đức) gắn với Thuận An (tỉnh Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai). Hướng phát triển về phía Nam, Đông Nam tiến ra biển gắn với huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, đô thị mới Nhơn Trạch-Long Thành (Đồng Nai). Các hướng phụ là về phía Bắc, Tây Bắc gắn với Củ Chi, Hóc Môn, dọc quốc lộ 22 và trục đường Xuyên Á nối với Tây Ninh và nước bạn Campuchia.
Lúc này hướng phát triển ra Thủ Thiêm để mở rộng trung tâm thành phố đã được khẳng định chắc chắn. Trên cơ sở ấy, hàng loạt các đô thị mới đã được triển khai nghiên cứu: đô thị mới Thủ Thiêm, đô thị Tây Bắc thành phố, Phú Mỹ Hưng…
Bản quy hoạch chung TPHCM năm 1998 cũng đã lưu ý: “Các khu phát triển mới phải được xây dựng theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững, chú trọng hệ thống cây xanh, mặt nước; tổ chức các khu đô thị mới theo hướng có cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, tăng tỷ lệ trung bình tầng cao, mật độ xây dựng thấp, triệt để khai thác không gian ngầm, trên không, ưu tiên đất cho không gian thông thoáng”.
Bản quy hoạch chung xây dựng TPHCM được xây dựng trong năm 2008 tuy còn phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt mới chính thức có hiệu lực song nó cũng tái khẳng định: TPHCM sẽ phát triển theo hướng đa trung tâm. Theo đó, sẽ có các đô thị Thủ Thiêm, Tây-Bắc thành phố, đô thị khoa học ở Đông-Bắc thành phố thuộc quận 9, Thủ Đức, đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam huyện Nhà Bè…
Như vậy, chủ trương phát triển đô thị theo hướng đa trung tâm, hình thành các đô thị vệ tinh với các khu dân cư hiện đại đã có từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng hiện nay ở TPHCM mới có một khu đô thị hiện đại “nên hình, nên dáng” là Phú Mỹ Hưng. Tuy nhiên, đây lại là khu đô thị được xây dựng và quản lý bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Các đô thị mới Thủ Thiêm, Tây Bắc thành phố… vẫn còn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư hoặc lập quy hoạch…
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng