Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã hoàn chỉnh dự thảo Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 16/CP ngày 7/12/2005 và Nghị định số 112/CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Tiếp thu những ý kiến góp ý cho rằng, việc giám sát, đánh giá đầu tư là rất cần thiết nhằm bảo đảm chặt chẽ trong quá trình quản lý đầu tư thực hiện dự án, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh như: điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư...
Trong dự thảo Nghị định trình Chính phủ lần này đã quy định rõ là: việc giám sát, đánh giá đầu tư xây dựng công trình là do người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định. Về tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư, Nghị định cũng quy định cụ thể: người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc giám sát, đánh giá đầu tư và báo cáo tình hình thực hiện các dự án đầu tư lên cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp.
Riêng đối với dự án quan trọng quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong toàn quốc, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn chi phí cho công tác giám sát, đánh giá đầu tư.
Quy định về thời gian thẩm định dự án, bao gồm cả thời gian thẩm định thiết kế cơ sở được tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, được nêu trong dự thảo Nghị định: Đối với dự án quan trọng quốc gia thì thời gian thẩm định dự án không quá 90 ngày làm việc, tùy theo quy mô, tính chất của dự án, trong đó thời gian thẩm định thiết kế cơ sở không quá 30 ngày làm việc.
Đối với dự án nhóm A, thời gian thẩm định dự án không quá 40 ngày làm việc, trong đó thời gian thẩm định thiết kế cơ sở không quá 20 ngày làm việc. Dự án nhóm B thì thời gian thẩm định dự án không quá 30 ngày làm việc, trong đó thời gian thẩm định thiết kế cơ sở không quá 15 ngày.
Dự án nhóm C thì thời gian thẩm định dự án không quá 20 ngày, trong đó thời gian thẩm định thiết kế cơ sở là không quá 10 ngày làm việc.
Đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay, phù hợp với cơ chế thị trường, trong dự thảo Nghị định lần này, Bộ Xây dựng đã bổ sung trường hợp được điều chỉnh dự án "Do biến động bất bình thường của giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, tỷ giá hối đoái đối với phần vốn có sử dụng ngoại tệ hoặc do Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách mới có quy định được thay đổi mặt bằng giá đầu tư xây dựng công trình".
Cũng để tạo thuận lợi cho việc quản lý Nhà nước thông qua cấp giấy phép xây dựng (GPXD) ở địa phương thì hồ sơ xin GPXD đã quy định trước đây tại Nghị định số 112/2006/CP nay được sửa đổi, bổ sung như sau: "Bản vẽ thiết kế thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, các mặt đứng, mặt bằng máy của công trình; sơ đồ vị trí hoặc tuyến công trình, sơ đồ hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước mưa, thoát nước thải. Riêng đối với công trình sửa chữa, cải tạo yêu cầu phải có GPXD thì phải có ảnh chụp hiện trạng công trình".
Việc điều chỉnh GPXD cũng là yêu cầu cấp thiết trong thực tế nên nhiều địa phương đã đề xuất bổ sung quy định về vấn đề này. Năm 2007, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư 02/2007/TT-BXD hướng dẫn cụ thể về điều chỉnh GPXD.
Qua thực hiện những nội dung thông tư trên, đến nay đã đi vào cuộc sống nên Nghị định lần này đã chuyển những nội dung của Thông tư 02 vào thành một điều khoản, được quy định tại điều 24 của NĐ là: "Chủ đầu tư phải xin điều chỉnh GPXD trước khi thi công xây dựng công trình theo nội dung điều chỉnh. Cơ quan cấp GPXD là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh GPXD bảo đảm phù hợp quy hoạch xây dựng và chịu trách nhiệm về nội dung cho phép điều chỉnh GPXD...".
Ngoài những nội dung mới đã được điều chỉnh, bổ sung trên, nghị định dự thảo trình Chính phủ còn sửa đổi, làm rõ hơn một số nội dung khác như: Thẩm quyền quyết định đầu tư đối với chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, xử lý khối lượng phát sinh ngoài thiết kế dự toán…
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị