Chỉ trưng mua, trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức trong những trường hợp đặc biệt.
Sáng qua (13 - 11), Quốc hội thảo luận dự án Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản. Nguyên tắc quan trọng nhất mà dự luật này đưa ra là nhà nước chỉ trưng mua, trưng dụng tài sản của tổ chức, cá nhân trong những trường hợp đặc biệt nhằm phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh quốc gia; mức giá bồi thường tài sản trưng mua, trưng dụng được tính ở thời điểm nhà nước thanh toán tài sản đó.
Cuối buổi chiều, Quốc hội chuyển sang thảo luận dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Tính khả thi của dự luật này là điều làm không ít đại biểu phân vân. Theo các đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau), Phạm Phương Thảo (TP. HCM), đất đai, tài nguyên thiên nhiên vốn là những tài sản nhà nước đã được điều chỉnh cụ thể trong các luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Dầu khí, Luật Doanh nghiệp...
“Đất đai, tài nguyên đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật này là vừa thiếu, vừa thừa”- ông Lợi phân vân. Đại biểu Trần Thị Lộc (Bắc Cạn) cũng cho rằng: “Phạm vi điều chỉnh quá rộng thì không thể bao quát hết được”.
Bà Phạm Phương Thảo đề nghị nên lấy tên luật là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với phạm vi điều chỉnh là động sản, bất động sản được nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng. Bà Thảo kiến nghị tách phần vốn của nhà nước ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự luật này và xây dựng Luật Kinh doanh vốn nhà nước.
Về quy định có hay không cho thuê tài sản nhà nước, Quốc hội chia thành hai luồng ý kiến khác nhau. “Cơ quan nhà nước không được cho thuê tài sản nhà nước. Vì việc đục tường, trổ cửa để cho thuê sẽ làm mất mỹ quan, mất thế của cơ quan nhà nước”.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Lộc lại nghĩ khác: “Không cho thuê là không hợp lý. Nguyên tắc là tài sản chỉ sử dụng có hiệu quả khi nó phát huy hết công năng, nếu không cho thuê thì cũng lãng phí. Tôi cho rằng luật phải xác định rõ loại tài sản nào được cho thuê, loại nào không, tiền cho thuê thì sử dụng như thế nào”.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Phương Thảo cũng nói rằng bà đồng tình với quy định quyền giám sát của MTTQ, HĐND và thanh tra của Bộ Tài chính nhưng chế tài như thế nào thì chưa rõ. Bà Thảo lấy ví dụ: Quy định nói rõ là khi đấu giá tài sản nhà nước trên địa bàn TP phải để lại 50% giá trị cho TP. Nhưng lâu nay TP chưa được gì. Vừa rồi, một số cơ quan đấu giá được 980 tỷ đồng nhưng các cơ quan bộ, ngành cũng chỉ mới “ghi nhớ” rồi để đó.
Trao đổi với báo giới, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho biết: “Việc các nhà khách của bộ, ngành phải chuyển đổi hình thức kinh doanh sang khách sạn có từ mấy năm nay nhưng dường như vẫn “án binh bất động. Ở Sầm Sơn, hàng loạt nhà khách của các bộ, ngành vẫn tồn tại, để làm “sân sau”. Trước hiện trạng như thế, nhiều đại biểu kêu rằng nếu luật không quy định rõ chế tài thì giám sát khó mà có hiệu quả”.
Theo Pháp Luật