Top

Dự án thành phố sông Hồng: Mới chỉ là phác thảo

Cập nhật 07/11/2007 14:00

Dự án khổng lồ quy hoạch phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội (với tổng kinh phí ước tính lên đến 7 tỉ USD, sẽ có khoảng gần 4 vạn hộ dân đang sinh sống dọc sông Hồng phải di dời) đang gây nhiều tranh cãi từ phía các nhà khoa học và các chuyên gia kinh tế trong các lĩnh vực thuỷ văn, môi trường.

Ngày 6 - 11, một hội thảo khoa học tư vấn phản biện dự án do Hội Liên hiệp KHKT VN tổ chức, tập hợp ý kiến các nhà khoa học cho thấy dự án mới chỉ là phần ngọn. Để khả thi cần phải xem xét tổng thể nhiều yếu tố.

Thu hẹp lòng sông: Nhiều diễn biến khó lường

Chủ trương hiện đại hoá thủ đô Hà Nội trên cơ sở quy hoạch thành phố (TP) hai bên bờ sông Hồng nhận được sự đồng thuận của các nhà khoa học. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Tổ công tác sông Hồng do UBND TP.Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với các chuyên gia Hàn Quốc thực hiện, dù đã qua 3 lần hội thảo lấy ý kiến và chuẩn bị hoàn tất báo cáo cuối cùng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng theo các nhà khoa học "hoàn toàn chưa thể coi đây là dự án khả thi mà mới chỉ là những phác phảo ban đầu".

GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN - tỏ ra băn khoăn khi dự án chưa tính toán một cách thấu đáo đến các kiến tạo địa chất, thuỷ văn và sự chuyển đổi dòng của sông Hồng. Vào mùa lũ, con sông Hồng trở nên hết sức hung dữ và mức độ xói lở nghiêm trọng, tạo nên vùng bãi bồi ven sông. GS-TS Nguyễn Đình Hoè - Hội Bảo vệ tài nguyên môi trường VN - phản đối: Không thể chỉ xem xét 40km đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội mà không tính đến quy hoạch tổng thể hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, sông Đuống.



Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng.


Quy hoạch đưa ra việc thu hẹp dòng chảy sông Hồng cũng dẫn đến những tai biến khó lường về thuỷ văn trên sông Đuống. Trên thực tế, quy hoạch trị thuỷ sông Hồng khác xa so với trị thuỷ sông Hàn. Ông nói: Các chuyên gia Hàn Quốc đã không tính đến sự khác nhau giữa sông Hàn là sông nội địa, còn sông Hồng chảy từ nước ngoài vào VN nên chúng ta chỉ có thể quy hoạch phía hạ lưu, chứ không nắn được dòng chảy.

GS-TS Trương Đình Dụ - Viện Khoa học thuỷ lợi VN - nhận xét: QH còn những tồn tại cơ bản là chưa giải quyết triệt để vấn đề cốt lõi nhất là bảo vệ an toàn đê HN, chống được các lũ lớn vì QH vẫn cơ bản sử dụng sông tự nhiên để thoát lũ, chưa có cải tạo gì về lòng dẫn, chưa bảo vệ được chân và mái đê. Hai là quy hoạch vừa sử dụng bãi sông để thoát lũ, vừa để xây dựng khu vui chơi giải trí nên ở những khu vực này vẫn phải chạy lũ...

Chưa đủ độ tin cậy

Lo ngại của các nhà khoa học hoàn toàn có cơ sở. Theo TS Nguyễn Văn Túc - Hội Địa chất kỹ thuật, trong khi chỉ ra việc tổ chức thăm dò lấy ý kiến của nhân dân về quy hoạch phát triển sông Hồng của Tổ công tác đã không hề lấy ý kiến các nhà khoa học nên hiệu quả không cao.
 
Với quy hoạch cho khoảng 3 vạn dân của TP hai bên sông, nhưng dự án lại không có quy hoạch các công trình ngầm. Việc xây dựng các chung cư cao tầng, nền móng bêtông cốt thép sẽ báo động nguy cơ không có thiết kế việc cung cấp nước sinh hoạt đến hộ dân. Vấn đề nước thải cũng hết sức nan giải, nhưng cũng chưa được đề cập.

TS Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - đặc biệt lưu ý dự án có mức di dời dân khổng lồ, trong giai đoạn 1 của quy hoạch (dự kiến từ 2008 - 2012) sẽ có khoảng 1,1 vạn dân phải di dời, cả 3 giai đoạn (dự kiến đến 2020) sẽ di chuyển khoảng 3,9 vạn dân, trong đó chỉ có khoảng 30% số căn nhà sẽ xây dựng chung cư. "Phải đảm bảo hài hoà lợi ích giữa việc xây dựng thành phố hai bên sông và lợi ích người dân - ông Phạm Sĩ Liêm nói - Nên chăng phải bố trí tái định cư tại chỗ cho người dân để tạo sự đồng thuận".

Nhiều ý kiến đồng tình quy hoạch sông Hồng của thủ đô Hà Nội phải được xem xét ở tầm quốc gia và do hiệu quả kinh tế của dự án chưa có sức thuyết phục, nên cần xem xét thấu đáo, có sự đóng góp rộng rãi của các nhà khoa học. Theo các chuyên gia, có lẽ không thể hoàn thành gấp việc xây dựng dự án bên sông Hồng vào năm 2020.

Theo Lao Động