Bộ Xây dựng đang tổ chức lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, chuyên gia về dự thảo Nghị định về Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS). Một điểm đáng chú ý khác là dự thảo quy định ngặt nghèo hơn các điều kiện kinh doanh BĐS khi đề xuất tổ chức, cá nhân phải thành lập doanh nghiệp (DN) hoặc HTX cùng ngành nghề mới được kinh doanh BĐS.
Hoạt động kinh doanh bất động sản nhộn nhịp trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo đó, khi thành lập công ty BĐS, DN phải công khai thông tin gồm: tên, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật, số điện thoại liên lạc và các thông tin liên quan đến BĐS đưa vào kinh doanh trên cổng thông tin điện tử của DN, cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi DN đăng ký kinh doanh và nơi có BĐS đưa vào kinh doanh.
Trong trường hợp là chủ đầu tư dự án BĐS thì ngoài các quy định trên, còn phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 20% tổng vốn đầu tư với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha. Với dự án có quy mô từ 20 ha trở lên, mức này là 15%.
Dự thảo nghị định cũng đề cập cụ thể hơn về các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh BĐS quy mô nhỏ, không thường xuyên. Theo đó, kinh doanh BĐS quy mô nhỏ được xác định là những trường hợp bán, cho thuê, thuê mua nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất dưới mức diện tích đất, sàn xây dựng nhà ở, công trình do UBND cấp tỉnh quy định.
Kinh doanh BĐS không thường xuyên gồm các trường hợp như bán, chuyển nhượng nhà, công trình xây dựng do phá sản, giải thể; bán, chuyển nhượng, cho thuê mua BĐS thuộc sở hữu nhà nước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; các tổ chức tín dụng bán, chuyển nhượng nhà, công trình, dự án đang được bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ...
Theo dự thảo nghị định, những nhóm này không buộc phải có các điều kiện trên nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Dự thảo nghị định này quy định một số điểm mới về mức phạt tiền trong kinh doanh BĐS, vi phạm xây dựng biện pháp khắc phục hậu quả, xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép…
Dự thảo lần này đã tăng mức tiền phạt gấp 1,5 - 2 lần so với mức phạt quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (Nghị định 139) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Riêng vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, kinh doanh BĐS, có hành vi bị xử phạt lên đến 1 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị định tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh BĐS như chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không bảo đảm các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định, bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua BĐS hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết...
DiaOcOnline.vn – Theo Người lao động