Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, đề nghị giảm lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà xuống còn 3% và tăng thời gian vay lên 15 năm là có cơ sở.
Gói vay ưu đãi với lãi suất 6%/năm của gói 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà đã triển khai được hơn 5 tháng nhưng việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn đang ở tốc độ “rùa”.
Theo số liệu của Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/9, các ngân hàng mới tiếp nhận được 619 hồ sơ cá nhân với số tiền 203 tỷ đồng, trong đó chỉ có 590 khách hàng được giải ngân với tổng số tiền 142,5 tỷ đồng. Riêng khách hàng doanh nghiệp, các nhà băng cũng mới giải ngân được 54,8 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 4 tháng triển khai, các ngân hàng giải ngân chưa tới 1% tổng số tiền 30.000 tỷ đồng.
Tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 15/10, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mới tiếp cận được 179 khách hàng cá nhân, với số tiền 103 tỷ đồng, đã giải ngân được 31 tỷ đồng và chưa có doanh nghiệp nào được vay.
Trong khi đó lượng, thực tế lượng căn hộ tồn kho tại TP.Hồ Chí Minh hiện rất lớn, còn nhu cầu vay tiền để mua nhà của người dân và doanh nghiệp để hoàn thiện dự án lại đang vô cùng cấp bách. Trước thực trạng này, UBND TP.Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ cần điều chỉnh điều kiện cho vay từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, trong số đó có đề nghị giảm lãi suất giảm 6%/năm xuống còn 3% và tăng thời gian vay lên 15 năm.
Trao đổi với PV về đề nghị trên của UBND TP. Hồ Chí Minh, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, đề xuất của UBND TP. Hồ Chí Minh có cơ sở bởi lãi suất hiện nay đối với người thu nhập thấp cũng là vấn đề để đẩy nhanh tốc độ vay và giải ngân gói 30.000 tỷ đồng.
Mặc dù cho rằng đề xuất giảm lãi suất cho vay ưu đãi xuống 3% là hợp lý nhưng ông Kiêm nhận định “khó khả thi”! Lý giải vấn đề này, ông Kiêm nói: Nếu giảm lãi suất xuống thì phần chênh lệch nhà nước phải bù ra, Nhà nước lãnh hết chứ không phải ngân hàng chịu, trong khi Ngân sách Nhà nước đang trong tình trạng khó khăn.
Theo ông Kiêm, dù biết rằng giảm lãi suất cho vay ưu đãi thì gói 30.000 tỷ sẽ có cơ hội giải ngân nhanh hơn nhưng quan trọng ngân sách có không, vừa rồi ngân sách đã hụt thu và phải nâng bội chi lên, phải phát hành trái phiếu và vay trái phiếu Chính phủ với lãi suất cao rồi thì không còn cách nào giải quyết được.
“Không chỉ bàn về vấn đề lãi suất mà khi lạm phát giảm xuống, đồng thời số lượng nhà thu nhập thấp cũng phải tăng lên, rồi vấn đề thủ tục phải được giải quyết… mới có thể để đẩy nhanh tốc độ cho vay gói 30.000 tỷ đồng”, ông Kiêm nói.
Còn tại một hội thảo về nhà ở xã hội và nhà cho nhu cầu thực được tổ chức gần đây thì TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, lãi suất ưu đãi gói hỗ trợ 6% một năm chỉ nên quy định trong năm 2013. Còn lãi suất cho vay phải được điều chỉnh theo năm mới thực sự công bằng cho người đi vay.
“Mức 6% trong năm nay là hợp lý, là ưu đãi nhưng sang năm, giả sử lạm phát giảm, thậm chí xảy ra giảm phát thì con số này sẽ không còn ưu đãi nữa”, ông Ánh phân tích.
Vị chuyên gia này cho rằng, nên quy định lãi suất cho vay từ gói hỗ trợ bằng một tỷ lệ nào đó theo lãi suất thị trường hoặc lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước vì bản chất cho vay ưu đãi là từ nguồn tái cấp vốn. Tỷ lệ đó có thể là một phần hai, hai phần ba tùy theo khả năng và chủ trương ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước.
DiaOcOnline.vn - Theo Infonet