Xã cho rằng nên tạm tha, huyện bảo phải kiên quyết tháo dỡ nhưng lại chưa có văn bản trả lời thắc mắc của xã.
Sau khi Thông tư 24 hướng dẫn Nghị định 23/2009 về xử phạt vi phạm trong hoạt động xây dựng có hiệu lực (từ ngày 9-9-2009), cứ tưởng hàng ngàn căn nhà xây dựng trái phép sau ngày 1-7-2004 đã có hướng giải quyết. Thế nhưng tại nhiều nơi, số phận những công trình này vẫn còn treo lơ lửng, đặc biệt là nhà xây không phép trên đất nông nghiệp.
Quy hoạch đất nông nghiệp: Hai cách hiểu
Theo thống kê sơ bộ, chỉ riêng xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) đã có trên 1.000 trường hợp vi phạm xây dựng từ ngày 1-7-2004 đến trước 1-5-2009. Trong số này có hơn 500 vụ nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp, còn trên toàn huyện con số này lên tới hơn 1.000 căn.
Ông Võ Hoàng Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, cho biết: sở dĩ chưa thể xử lý dứt khoát công trình trái phép trên đất nông nghiệp là do vướng mắc trong việc khẳng định quy hoạch đất nông nghiệp có phải là một loại quy hoạch xây dựng hay không. “Nếu đất nông nghiệp dự trữ cũng được xem là đất quy hoạch xây dựng thì khoảng 1.000 căn nhà vi phạm thuộc trường hợp này tại huyện Bình Chánh sẽ được tạm tha. Còn nếu không phải thì tất cả cần bị tháo dỡ ngay” - ông Triều nhận xét.
Hiện có hai quan điểm khác nhau trong việc xử lý các trường hợp này. Cụ thể, lãnh đạo huyện Bình Chánh cho rằng đất nông nghiệp dự trữ không phải là đất quy hoạch xây dựng, do đó những căn nhà trái phép tại khu vực này cần bị phá dỡ ngay. Vừa qua, huyện đã chỉ đạo Thanh tra xây dựng huyện phối hợp các xã thống kê, rà soát tất cả trường hợp vi phạm để kiên quyết xử lý. “Đối với quy hoạch xây dựng làm công viên, trường học, khu dân cư... có thể cho phép công trình vi phạm được tạm thời tồn tại, đến khi thực hiện mới cần phá dỡ. Nhưng khu vực quy hoạch làm đất nông nghiệp thì phải tháo dỡ ngay vì nếu nhà ở cứ tạm tồn tại thì làm sao triển khai quy hoạch được” - một lãnh đạo huyện Bình Chánh phân tích.
Đối với quy hoạch làm công viên, trường học, khu dân cư… như thế này, nhà xây trái phép có thể tạm tồn tại đến khi thực hiện mới cần phá dỡ. Ảnh: HTD |
Trong khi đó, lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A lại cho rằng đất nông nghiệp dự trữ cũng là một loại quy hoạch xây dựng. Ông Võ Hoàng Triều dẫn chứng: trong bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện, quy hoạch đất nông nghiệp cũng được liệt kê chung với các loại khác như đất ở, công trình công cộng... Do đó, nếu chưa thực hiện làm nông nghiệp ngay thì cũng có thể cho công trình tạm tồn tại như quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 24.
“Để đảm bảo tính chính xác, nghiêm minh, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người dân, chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị huyện giải thích rõ các khái niệm trên nhưng đến nay chưa được trả lời. Bởi vậy, xã hết sức lúng túng trong việc xử lý các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp” - ông Triều nói.
Vẫn chưa rõ sẽ đập hay tha
Cần nói thêm, Điều 15 Thông tư 24 đã “xóa án” cho những trường hợp vi phạm xây dựng sau ngày 1-7-2005 đến trước ngày 1-5-2009. Tuy nhiên, thông tư này lại giao cho địa phương xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể tùy theo tình hình thực tế. Dẫn chiếu quy định trên, khi các quận/huyện đề nghị cần có một văn bản hướng dẫn để thực hiện thống nhất, cả Bộ Xây dựng lẫn Sở Xây dựng TP đều cho rằng quyền quyết định thuộc về UBND quận/huyện, cơ quan chuyên môn không ban hành hướng dẫn được. Cụ thể hơn, Sở Xây dựng TP cho hay Sở không thể quyết định mà chỉ có thể tập hợp những vướng mắc để báo cáo cơ quan cấp trên. Trong khi đó, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên khẳng định Thông tư 24 đã nói rõ quyết định cho tồn tại hay không đối với từng trường hợp thuộc về thẩm quyền địa phương vì nơi này mới hiểu rõ nhất mình cần làm gì.
Như vậy, quy định vừa đóng vừa mở, vừa thoáng vừa chặt như Điều 15 Thông tư 24 đang khiến cấp thực hiện lúng túng, khó xử. Trường hợp ở huyện Bình Chánh là ví dụ điển hình. “Số lượng vi phạm tại xã Vĩnh Lộc A khá nhiều. Nếu kiên quyết tháo dỡ hơn 500 căn nhà thì có khoảng 2.000 người không có chỗ ở. Chưa kể, nếu sau này lỡ có thông báo nhà trái phép trên đất nông nghiệp cũng được tạm tồn tại trong khi nhà đã bị đập hết, hoặc căn đập căn chưa dẫn đến tranh chấp, khiếu nại thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Bởi vậy thật tình xã chưa dám mạnh tay mà cũng không biết trả lời người dân như thế nào” - ông Triều băn khoăn.
Cần quy định rõ địa phương là cấp nào
Thông tư 24 không chỉ lấp lửng đập hay tha mà việc giao thẩm quyền quyết định cho cơ quan nào cũng không thật rõ ràng. Theo văn bản này, “địa phương sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể”. Nhưng cụ thể “địa phương” là cấp nào, UBND cấp tỉnh/thành, cấp quận/huyện hay cấp phường/ xã? Trong trường hợp này, theo chúng tôi, hợp lý nhất là giao quyền quyết định cho UBND cấp quận/huyện để đảm bảo tính thống nhất.
Do vậy, nếu đã khẳng định quan điểm nhà trái phép trên đất nông nghiệp phải kiên quyết tháo dỡ, thiết nghĩ lãnh đạo huyện Bình Chánh cũng như các địa phương đang có vướng mắc tương tự nên nhanh chóng có văn bản trả lời những thắc mắc của xã. Cạnh đó, cần có cách thức tổ chức cưỡng chế tháo dỡ để các xã yên tâm thực hiện mà người dân cũng không còn phải lo lắng, thắc thỏm.
Phải hết sức cân nhắc khi xử lý
Giữa hai cách hiểu của xã Vĩnh Lộc A và huyện Bình Chánh về quy hoạch đất nông nghiệp, tôi cho rằng huyện Bình Chánh lý giải đúng. Đất quy hoạch làm nông nghiệp thì không thể tồn tại công trình xây dựng trái phép. Tuy nhiên, cần hết sức cân nhắc trong việc xử lý đối với những trường hợp đã rồi. Quy hoạch của ta không rõ ràng, quản lý không dứt khoát, kiên quyết (vốn là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộn xộn trong xây dựng) nhưng bây giờ lại kiên quyết xử lý đối với người dân thì cũng khó.- TS-KTS Võ Kim Cương
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP