Top

Trung Quốc cải cách ruộng đất

Cập nhật 20/10/2008 16:00

Sau bốn ngày làm việc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, hội nghị kế hoạch thường niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc tối Chủ nhật vừa qua (12-10) đã thông qua văn kiện hoạch định một chính sách mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở nông thôn.

Chính sách mới này đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập của hàng trăm triệu nông dân vào năm 2020 và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị. Theo nhận định của giới quan sát, chính sách này sẽ đưa kinh tế thị trường đến với 750 triệu nông dân Trung Quốc, đánh dấu bước cải tổ kinh tế lớn nhất kể từ khi ông Đặng Tiểu Bình phát động cải cách mở cửa năm 1978 và là bước rời xa hơn nữa chính sách tập thể hóa công xã nông thôn thời Mao Trạch Đông. Những chi tiết của chính sách chưa được tiết lộ, song theo thông lệ, chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải được Quốc hội nước này - sẽ họp kỳ sắp tới vào tháng 3-2009 - thể chế hóa thành luật, thành kế hoạch trước khi được ban hành và thực thi.

Vị trí đặt quảng cáo Báo chí Trung Quốc đầu tuần này cho biết, điểm cốt lõi của chính sách mới là nông dân được trao đổi, sang nhượng không hạn chế quyền sử dụng đất nông nghiệp mà họ đang được hưởng cho những nông dân khác hoặc cho các doanh nghiệp miễn là không chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nông dân cũng sẽ được thế chấp, cầm cố “quyền sử dụng đất” để vay vốn ngân hàng hoặc dùng làm vốn góp vào công ty nông nghiệp. Ngoài ra, một hệ thống cơ quan hành chính mới, chuyên về quản lý đất nông nghiệp, cũng sẽ được thành lập cùng với một mạng lưới tài chính nông thôn và một hệ thống cân bằng sự phát triển giữa nông thôn và đô thị.

Hiến pháp Trung Quốc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý; nông dân chỉ có “quyền sử dụng” đất nông nghiệp theo hợp đồng 30 năm. Điều đó có nghĩa là chính quyền địa phương có thể thu hồi đất vào bất cứ lúc nào. Công nghiệp hóa và đô thị hóa trong 30 năm qua đã làm cho hàng chục triệu nông dân bị mất đất canh tác. Nhân danh sự phát triển, một số quan chức tham nhũng ở các địa phương câu kết với các chủ doanh nghiệp tiến hành “thu hồi” đất canh tác của nông dân với khoản bồi thường rất ít hoặc không bồi thường gì cả. Những cuộc biểu tình phản đối của nông dân bị mất đất là nguyên nhân chính gây bất ổn xã hội ở Trung Quốc hiện nay.

Ông Song Hongyuan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế nông thôn của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nhận định: “Sự vi phạm quyền đất đai của người nông dân diễn ra thường xuyên khi chính quyền địa phương quyết định thay cho nông dân mà không để cho họ tự quyết định số phận của mình. Vì vậy, chính phủ phải cải cách chính sách ruộng đất để bảo vệ đầy đủ quyền lợi của nông dân”.

Một thực tế khác là ruộng đất ở Trung Quốc rất manh mún, mỗi nông hộ “sử dụng” một khoảnh đất nhỏ, bình quân 0,67 héc ta/hộ gia đình. Những nông dân ra thành phố kiếm việc làm - đã lên tới 200 triệu người trong những năm vừa qua - phải nhờ người thân canh tác những khoảnh ruộng đó hoặc bỏ ruộng hoang mà không thể bán đi được. Vì chưa trả đất canh tác lại cho nhà nước, những công nhân nhập cư này vẫn bị coi là nông dân và chỉ có thể làm những công việc đơn giản, có mức lương thấp. Trong khi đó, ở thành phố, cư dân đô thị từ lâu đã được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất không hạn chế và rất nhiều người giàu lên rất nhanh cùng với sự sôi động của thị trường đất đô thị.

Những người ủng hộ cho rằng, nếu thực thi nghiêm túc và có hiệu quả, chính sách mới sẽ tạo thuận lợi cho công cuộc “tích tụ đất nông nghiệp”, hình thành những nông trại sản xuất lớn - biện pháp cần thiết để gia tăng sản lượng lương thực, bảo đảm an toàn lương thực cho khối dân số hơn 1,3 tỉ người. Ngoài ra nó cũng sẽ làm tăng lượng của cải ở nông thôn, thực hiện chính sách kích cầu nội địa mà Chính phủ Trung Quốc đang theo đuổi để bù vào sự suy giảm xuất khẩu. Những người này còn đề nghị kéo dài thời hạn giao quyền sử dụng đất canh tác cho nông dân từ 30 năm hiện nay lên 70 năm như đối với đất ở - một đề nghị mà Quốc hội Trung Quốc sẽ xem xét trong kỳ họp tới.

Những người phản đối thì cho rằng chính sách mới xói mòn đường lối công hữu hóa tư liệu sản xuất ở nông thôn - một thành quả của cách mạng vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo những người này, kinh tế Trung Quốc chưa đủ mạnh để hấp thụ hàng chục triệu nông dân bán đất rồi đổ vào thành phố kiếm việc làm hàng năm; và việc phân bổ ruộng đất đến gia đình nông dân có ưu điểm là bảo đảm cho mỗi gia đình một phương tiện sinh sống tối thiểu.

Cuộc tranh luận giữa hai phái ủng hộ và phản đối cải cách ruộng đất kéo dài đã lâu, nhưng thực tế những nỗ lực liên tục của Chính phủ Trung Quốc nhằm kích thích kinh tế nông thôn mà không “tự do hóa” đất đai đều đã rơi vào thất bại, khiến cho phái ủng hộ chính sách mới ngày càng giành được thế thượng phong. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là người ủng hộ phía cải cách.

Từ thời phong kiến đến nay, quyền sở hữu ruộng đất luôn là yếu tố trung tâm trong mối quan hệ giữa chính quyền và nông dân Trung Quốc. Đất đai và thuế má đã là nguyên nhân gây nên bao cuộc “khởi nghĩa nông dân” làm sụp đổ các vương triều phong kiến hùng mạnh trong lịch sử Trung Quốc.

Chủ trương cải cách ruộng đất thêm nữa, tuy chưa công nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai, là nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của nông dân Trung Quốc hiện nay gây ra do tình trạng tham nhũng ở nông thôn và sự cách biệt quá lớn về thu nhập giữa nông thôn với thành thị. Song đã thành lệ ở Trung Quốc, chính sách đúng cũng không mang lại hiệu quả gì nếu không vượt qua được lực cản của các cấp chính quyền địa phương; mà trong trường hợp này, quyền lợi của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG