Top

Thời khốn khó của dân bất động sản tại Mỹ

Cập nhật 09/10/2008 11:00

Từ chính sách cho vay khuyến khích tiêu dùng của các ngân hàng, người dân Mỹ dễ dàng tiếp cận những khoản tín dụng dành cho nhu cầu bất động sản. Khi khủng hoảng nổ ra, các căn nhà từ vay nợ mà có lần lượt treo bảng “For Sale”.

Theo phản ảnh của tờ Le Monde, vấn đề không phải bán rẻ là có người mua ngay.

Gia đình Henderson có một biệt thự xinh xắn tại khu Kenwood của Cincinnati, thành phố lớn ở miền nam bang Ohio: 280m2 trên hai tầng, phòng khách rộng thoải mái, 5 phòng ngủ, phòng chơi bida, terrasse, garage chứa đến 2 xe, hơn nửa héc ta cây xanh.

Nhưng nay họ phải bán đi. Trong khu vực họ sống, các biệt thự dễ dàng có giá 1 triệu đô la Mỹ, một số cao gấp đôi. Biệt thự của gia đình Henderson có giá khiêm tốn hơn: 550.000 đô la.

Không dám mua vì giá sẽ còn giảm


Cách nay ba năm, gia đình Henderson mua biệt thự với giá 250.000 đô la và đầu tư khoảng tiền tương đương để cải tạo. Do lạm phát và sau khi trả chi phí cho chuyên gia bất động sản, họ nghĩ rằng coi như bán nhà chẳng lời lỗ gì cả.

Dù có đủ thực lực tài chính để chờ đợi thêm thời gian, gia đình Henderson vẫn muốn bán nhà. Nhưng chuyên gia bất động sản, ông Richard Horton, giải thích rằng hiện nay, chẳng ai biết giá nhà sẽ còn xuống đến mức nào.

Ông Horton, 70 tuổi, làm việc trong lĩnh vực bất động sản từ 41 năm qua. Ông dự đoán thị trường sẽ phục hồi “không trước năm 2011”. Từng trải qua những giai đoạn khó khăn trước đây, “nhưng như hiện nay thì tôi chưa hề thấy”, ông nói.

Kinh nghiệm làm việc ở công ty bất động sản tên tuổi Re/Max cho phép ông giải thích với khách hàng đặc điểm đầu tiên của vòng xoáy giảm giá hiện nay: nhà ở cao cấp bị ảnh hưởng nặng nhất. Và đặc điểm tiếp theo là sự hoang mang nghi ngờ.

“Cách nay một năm, tôi có thể bán được căn nhà này với giá mong muốn. Ngày mai, tôi không biết nó sẽ có giá bao nhiêu. Những ai có tiền trong tay sẽ chờ đợi. Tại sao lại phải hấp tấp nếu ngày mai có thể mua với giá rẻ hơn?”, ông phân tích.

Tại khu phố sang trọng Indian Hill, hãng bất động sản Comey & Shepherd quản lý 140 biệt thự trị giá từ 800.000 đến 2 triệu đô la mà không tìm được người mua. “Lĩnh vực duy nhất còn hoạt động chút ít là loại nhà giá rẻ. Toàn bộ còn lại coi như đã chết”, Joe Yearwood, chuyên gia của Comey & Shepherd khẳng định.

Cincinnati chưa bị ảnh hưởng nặng như Cleveland, thành phố lớn của bang Ohio, nơi lĩnh vực xây dựng và bất động sản đang gánh chịu hậu quả của khủng hoảng tín dụng. Trong vòng một năm, mức chi tiêu hàng tháng trong lĩnh vực này giảm 7%, và riêng đối với nhà ở cao cấp là 11%.

Căn hộ nhỏ cầm cự trong cơn khủng hoảng

Chỉ trong tháng 8, doanh số bán căn hộ tại Mỹ giảm 11,5%, với giá trung bình giảm 5,5%. Tại Cincinnati, khi bất động sản bất ổn, các lĩnh vực khác cũng gánh chịu hậu quả. Nhân viên lĩnh vực kinh doanh nội thất của hệ thống siêu thị Macy’s cảm nhận mức sụt giảm nhu cầu một cách đáng ngại. Chẳng ai có nhu cầu thay đổi căn hộ nên cũng chẳng có nhu cầu mua sắm nội thất và hàng điện gia dụng mới.

Ngày 26-9 vừa qua, dự án bất động sản Banks Project dọc theo bờ sông Ohio đã ngừng triển khai vì với mức đầu tư 1,2 tỉ đô la, các nhà đầu tư phải tính toán lại. Vào tháng 7, Doug Hine, tổng giám đốc hãng Mille-Valentine đã điều chỉnh giảm đến 40% việc xây dựng một khu vực nhà ở cao cấp. Lý do: quá nhiều cam kết mua nhà bị hủy.

Do khủng hoảng nên xuất hiện một hiện tượng dịch chuyển: ngày càng có nhiều người trẻ và về hưu từ bỏ ngôi nhà ở ngoại ô yên lặng để vào ở trung tâm thành phố. “Tất nhiên ở căn hộ chung cư thì không tốt bằng, nhưng nhờ đó mà một cặp vợ chồng có thể bớt được một chiếc xe. Điều này phù hợp với ngân sách của họ”, Joe Yearwood giải thích. Thị trường duy nhất cầm cự được trong cơn khủng hoảng này là căn hộ nhỏ.

Liệu tình hình bi đát này có tác động đến việc bầu cử tổng thống vào ngày 4-11 sắp tới? “Khắp nơi người ta rất lo âu”, ông Yearwood nói. “Ứng viên nào mang đến những giải pháp thực tiễn để thoát khỏi khủng hoảng sẽ giành được phiếu. Nhưng hãy coi chừng! Ai mà đề nghị tăng thuế thì chắc chắn sẽ chuốc lấy rủi ro”.

Có được một chỗ ở chính là biểu tượng của giấc mơ Mỹ. Cách nay hai năm, công ty của ông Yearwood bán được từ 12 đến 15 căn hộ mỗi tháng. Nhưng nay chỉ còn từ 5 đến 6 căn hộ.

Tại Cincinnati có cơ sở của General Electric. Trước đây, General Electric sử dụng đến 20.000 nhân viên. Nay con số này giảm xuống còn 9.000. Trong vòng 30 năm, thành phố đã mất đi 60% việc làm.

Chìa khóa hồi phục thị trường, theo Richard Horton, “đó là công việc, và công việc ổn định”. Nhưng ông không nhìn thấy giải pháp nào cả. Ông cho rằng tính bấp bênh của việc làm đã thúc đẩy nhiều người vay mượn với rủi ro cao, và nó cũng giúp “những nhà vận động sử dụng thẻ tín dụng thành công”.

Vậy ai sẽ bảo vệ việc làm tốt nhất? Trong suốt cuộc đời của mình, ông Horton bỏ phiếu cho ứng viên đảng Cộng hòa. Lần này, ông do dự. Ông cũng lo ngại về cách nhìn của người nước ngoài đối với tình hình hiện nay ở Mỹ.

“Chúng tôi muốn cả thế giới yêu mến chúng tôi, và hình ảnh nước Mỹ đã bị tổn hại dưới thời George Bush. Cuộc khủng hoảng mang tầm vóc thế giới. Để giải quyết nó, tốt nhất là có những mối quan hệ tốt với những người bạn của chúng tôi”.

Hiện nay, điều các chuyên gia bất động sản lo ngại nhất là chính sách. “Lý tưởng nhất là có một chính phủ gồm dân chuyên môn chứ không phải những nhà chính trị”, ông già 70 tuổi bắt đầu mơ mộng.

“Cách nay một năm, tôi có thể bán được căn nhà này với giá mong muốn. Ngày mai, tôi không biết nó sẽ có giá bao nhiêu. Những ai có tiền trong tay sẽ chờ đợi. Tại sao lại phải hấp tấp nếu ngày mai có thể mua với giá rẻ hơn?”, chuyên gia bất động sản Richard Horton phân tích.


Cho vay tiêu dùng ngày càng ít

Theo công bố của Cục dự trữ liên bang Mỹ, tín dụng tiêu dùng cho các hộ gia đình ở Mỹ đã giảm 3,7% trong tháng 8. Dù vậy, tổng mức tín dụng tiêu dùng ở Mỹ đạt khoảng 2.577 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn một phần tư tổng tiêu dùng của các gia đình trong một năm và chiếm khoảng 18% GDP. Thêm vào đó là số tiền cho vay cầm cố khoảng 12.000 tỉ đô la, theo những con số thường được thừa nhận tại một đất nước có gần 80% số chủ sở hữu bất động sản.

Như ở các nước có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa khác, thị trường tín dụng - điểm gặp giữa cung và cầu tài chính - là rất cần thiết cho hoạt động kinh tế Mỹ ở chỗ nó cho phép các doanh nghiệp tìm được nguồn vốn cần thiết cho việc thành lập, vận hành và phát triển mở rộng. Nhưng Mỹ khác với các nước khác ở chỗ người dân được khuyến khích sống bằng tín dụng.

Theo số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE), nợ của các gia đình ở Mỹ chiếm 136% thu nhập chưa chịu thuế của họ trong năm 2006, so với 59% ở Pháp. Về thực trạng này, nhà xã hội học Paul Jorion tóm tắt như sau: trong hệ thống của Mỹ, vay tiền là chứng tỏ bạn đóng góp vào nền kinh tế. Tất nhiên là người vay mượn sẽ có chỉ số tín dụng tốt nếu như hoàn trả nợ đúng hạn.

Không chỉ người làm công ăn lương đi vay, sinh viên cũng được khuyến khích vay tiền để trang trải học phí tốn kém. Theo một nghiên cứu mới nhất của Viện thăm dò dự luận Gallup, 39% chi tiêu gắn với chi phí học đại học là từ tiền vay của chính sinh viên hoặc phụ huynh.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG