Giáo sư Shunji Kusayanangi đến từ Trường Đại học Công Nghệ Kochi (Nhật Bản) và đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có buổi làm việc với các nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành Xây dựng về vấn đề quản lý hợp đồng đối với các dự án quốc tế. Những kinh nghiệm của nước bạn là bài học quý cho chúng ta khi hội nhập quốc tế.
GS Shunji Kusayanangi cho biết: ở Nhật, những quy định trong hợp đồng xây dựng rất khác so với nhiều nước. Điều 18, Luật Kinh doanh Xây dựng Nhật Bản có quy định các bên liên quan trong hợp đồng xây dựng cần xây dựng hợp đồng dựa trên sự bình đẳng và thực hiện trách nhiệm của mình một cách trung thực và thật thà. Như vậy, ở Nhật Bản, khi tranh chấp xảy ra mọi vấn đề đều được giải quyết trên cơ sở niềm tin và trung thực giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
Tuy nhiên, phương pháp này không thể ứng dụng đối với những dự án quốc tế khi thị trường buộc phải chấp nhận những nghi ngờ lẫn nhau, hệ thống 2 bên (chủ đầu tư và nhà thầu, tư vấn chỉ là người giúp việc cho chủ đầu tư) không còn phù hợp, tính minh bạch (tức công khai quá trình thực hiện) trở thành yêu cầu tất yếu trong quá trình xây dựng dự án, đòi hỏi phải thiết lập hệ thống 3 bên (gồm chủ đầu tư, nhà thầu và kỹ sư tư vấn) và mọi công việc đều được thực hiện trên cơ sở hợp đồng. Cơ cấu quản lý để công khai quá trình thực hiện dự án cũng phải được thiết lập, trong đó quy định rõ, chủ đầu tư phải công khai quá trình thực hiện dự án để người đóng thuế biết, kỹ sư tư vấn giám sát quá trình thực hiện và nhà nhà thầu phải công khai không chỉ sự kiên định mà phải công khai cả quá trình thực hiện dự án.
GS Shunji Kusayanangi nhấn mạnh, khi có vấn đề xảy ra tại công trường, giải pháp để giải quyết không chỉ là phương pháp kỹ thuật mà còn là các phương pháp hợp đồng.
Phân tích kỹ hơn, điều đó có nghĩa là khi tranh chấp hợp đồng xảy ra đối với dự án xây dựng quốc tế, các nhà quản lý cần phân tích định lượng (tìm ra các vấn đề thay đổi hợp đồng, khẳng định sự cần thiết xử lý các vấn đề về thay đổi giá và đơn giá, từ đó làm rõ tính chất về quyền trong hợp đồng) còn các kỹ sư tham gia trực tiếp tại công trường đưa ra những phân tích định tính, tức là phải phân tích vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả, định lượng thay đổi giá và thời gian, từ đó làm rõ những vi phạm về hợp đồng. Tranh chấp hợp đồng được giải quyết dựa trên sự định lượng hóa chi phí và thời gian bồi hoàn do kỹ sư tại công trường tính toán.
Như vậy, quản lý dự án xây dựng quốc tế, không chỉ là quản lý chung chung mà cốt lõi của vấn đề chính là quản lý hợp đồng xây dựng. Đây là trách nhiệm không chỉ của nhà quản lý mà còn là trách nhiệm của nhân viên dự án. Họ cần thực hiện công việc hàng ngày theo hợp đồng đã được ký, kiểm soát những thay đổi về giá, thời gian và tiến độ thi công. Có 3 nguyên tắc cơ bản trong quản lý dự án là phương pháp, tiến độ và đơn giá chi tiết, còn các yếu tố khác như giá, chất lượng, tiến độ, thực hiện kỹ thuật, quản lý hiệu quả, chất lượng và an toàn …đều xoay quanh những yếu tố này.
Hợp đồng rất quan trọng, không chỉ là cơ sở thanh toán mà còn là cơ sở giải quyết các vấn đề. Để dự án được thực hiện một cách hoàn thiện, tất cả các bên cần nắm đầy đủ kiến thức và các điều kiện của hợp đồng Vì vậy, khi tập huấn nâng cao trình độ, không chỉ tập trung vào đối tượng cán bộ quản lý nhà nước, các nhà khoa học mà Việt Nam nên để cho nhà thầu , chủ đầu tư tham gia.
Về vấn đề tham nhũng và cách phòng chống. Theo giáo sư, tham nhũng xảy ra khi thương thảo trên cơ sở hợp đồng không đủ, hợp đồng một phía và hầu hết các vấn đề không được đem ra giải quyết công khai mà xử lý đằng sau hậu trường. Cũng theo Cũng theo GS Shunji Kusayanangi, ở Nhật, tham nhũng xuất hiện nhiều vào những năm 1990 nhưng hiện nay không còn nhiều nữa vì hầu hết các hợp đồng xây dựng ở Nhật được thương thảo trên cơ sở trung thực.
Nâng cao hiệu quả quản lý dự án và phòng chống tham nhũng cần sự quyết tâm của nhiều cấp, ngành và theo GS Shunji Kusayanangi, cái gốc của vấn đề phải bắt đầu từ giáo dục. Việt Nam nên thành lập khoa chuyên về quản lý xây dựng để đào tạo chuyên sâu và bài bản những kỹ sư quản lý có chuyên môn. Và để phòng chống tham nhũng, Việt Nam cần xây dựng tài liệu hợp đồng đúng đắn, nâng cao kiến thức hiểu biết và quản trị hợp đồng, nâng cao năng lực quản lý dự án cho cán bộ.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng