Thành phố Boston hiện tại được coi là bằng chứng về hậu quả của việc quy hoạch phát triển đô thị không thích hợp nhưng khi biết sửa sai thì đô thị lớn lại có thể được đổi mới như thế nào ở nước Mỹ.
Cách đây nửa thế kỷ, thành phố này phát động chiến dịch "hiện đại hoá đô thị bằng cách phá bỏ cũ xây dựng mới". Kết quả là nhiều khu phố bị san phẳng để xây dựng mới hoàn toàn, hàng trăm ngàn dân đã được di chuyển để nơi đó mọc lên những ngôi nhà cao chọc trời. Kiến trúc cổ bị thay thế bằng kiến trúc bê tông và cửa kính, hàng cây và bãi cỏ biến thành những làn đường xe cao tốc chạy xuyên qua thành phố, tách biệt đô thị với sông hồ và biển.
Ba thập kỷ sau, thời thế và quan niệm của con người thay đổi nên những công trình xây dựng từng được ngợi ca là hiện đại và hợp mốt bị phê phán và ghét bỏ. Chính quyền thành phố buộc phải sửa sai bằng việc quy hoạch lại xây dựng đô thị. Sau gần 15 năm và tiêu tốn gần 20 tỷ USD, Boston nay có diện mạo gần như mới hoàn toàn.
Mạng lưới đường cao tốc nhiều làn đã được "ngầm hoá" trả lại không gian để thành phố có được tầm nhìn hướng thẳng ra biển và thành phố lại được coi là thành phố biển thực sự. Trong xây dựng mới không còn phương cách "phá cũ dựng mới" mà kết hợp giữa kiến trúc cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa phong cách và trường phái kiến trúc châu Âu với châu Mỹ.
Tất cả những quan điểm đó đã giúp Boston có được diện mạo của đô thị lớn hiện đại với những nét lịch sử đặc thù. Một nét nổi bật nữa trong quy hoạch phát triển đô thị này là chuyển những khu vực sát mép nước từng là nơi đặt nhà máy, công xưởng, kho bãi hoặc hoang hoá thành khu dân cư mới, trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí và dịch vụ. Nhiều công viên được tu bổ và mở rộng, viện bảo tàng lịch sử và nghệ thuật được chỉnh trang tạo ấn tượng cho Boston là một thành phố văn hoá. Phải mất nhiều thời gian và tốn nhiều tiền, Boston giờ mới có được kết quả từ quy hoạch ấy.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị