Một lượng lớn khoản cho vay kích cầu “chui” vào chứng khoán và bất động sản. Ảnh một sàn giao dịch chứng khoán ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters |
Bong bóng bất động sản tại Trung Quốc chắc chắn sẽ còn phình to hơn nữa, trước khi bùng nổ.
Hiện nay, thị trường bất động sản Trung Quốc hội tụ đủ các yếu tố có thể khiến bong bóng bất động sản nổ tung bất cứ lúc nào: nguồn vốn dư thừa, cách hành xử vô lý, thậm chí phi lý của người mua và người bán.
Giá cao ngất ngưởng
Theo số liệu chính thức, giá 1m2 nhà đã tăng 7% chỉ trong một tháng, từ tháng 6 đến tháng 7. Giá nhà đã tăng tại 63 trên tổng số 70 tỉnh, thành phố lớn, trong đó có Quảng Đông và Thâm Quyến, những nơi nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu. So với thế giới, giá nhà đất tại Trung Quốc hiện nay đã lên quá cao. Nếu muốn mua nhà, người dân phải bỏ ra trung bình đến ba tháng lương cho 1m2, trong khi tại Anh, người ta chỉ mất 1,1 tháng lương cho 1m2.
Các nhà phân tích thuộc tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ (MUFG) xem xét các vụ đấu giá đất gần đây ở Trung Quốc và kết luận một mét vuông đất chưa được sử dụng hiện có giá cao hơn diện tích tương tự ở khu đất công cạnh đó. Những lô lớn trong các vụ đấu giá gần đây ở Thượng Hải hay Bắc Kinh có giá cao hơn gấp ba lần mức tối thiểu. Nhà phân tích kỳ cựu Andy Xie của Morgan Stanley nhận xét: “Giá cổ phiếu và bất động sản đang cao hơn từ 50 – 100% so với thực tế”.
Nguồn thổi bong bóng
Ông Andy Xie nói: “Thị trường cổ phiếu và bất động sản Trung Quốc lại rơi vào giai đoạn bong bóng. Nó được tiếp sức bởi các khoản cho vay từ ngân hàng cùng những lo ngại lạm phát”. Lượng tín dụng lớn Bắc Kinh đã bơm vào nền kinh tế nhằm thoát khỏi cuộc suy thoái toàn cầu nhanh chóng phát huy hiệu quả khi nửa đầu năm nay, kinh tế Trung Quốc hồi phục và trên đà đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%. Đây chủ yếu là kết quả của việc tăng vọt các khoản cho vay từ ngân hàng do chính phủ chỉ đạo. Trong sáu tháng đầu năm, các khoản cho vay mới đạt 1.100 tỉ USD, gần gấp đôi tổng số tín dụng cho vay cả năm 2008. Với tốc độ hiện nay, các ngân hàng Trung Quốc sẽ cho vay tới hơn nửa GDP quốc gia trong năm 2009. Đó là điều chưa từng xảy ra không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới.
Nguy hiểm ở chỗ hầu hết các khoản vay trên đều được rót cho các doanh nghiệp, các thể chế được chính phủ hỗ trợ, để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng liên quan tới gói kích cầu khổng lồ. Nhưng một khoản lớn kích cầu đó bị đầu tư “nhầm địa chỉ”. Ông Wei Jianing, quan chức của trung tâm Nghiên cứu và phát triển của Chính phủ Trung Quốc, cho biết gần 1.200 tỉ NDT trong các khoản cho vay đã bị đầu tư “chui” vào cổ phiếu. Lượng vốn vay chảy vào những dự án xây dựng nhà ở mang tính đầu cơ còn cao hơn thế.
Các tập đoàn quốc doanh như Sinopec thu gom bất động sản. Theo MUFG, các tập đoàn quốc doanh đang thống trị thị trường bất động sản vì họ có thể dễ dàng vay vốn lớn từ ngân hàng, sau đó chuyển cho các công ty bất động sản thuộc tập đoàn. Các công ty cá nhân không thể tiếp cận vốn dễ dàng như vậy. Do nguồn vốn dồi dào nên các tập đoàn không bị áp lực phải bán nhà ngay, thay vào đó giữ nhà, đẩy giá lên theo ý muốn.
Các hộ gia đình Trung Quốc đang lo ngại lạm phát có thể xảy ra do nguồn tín dụng hiện nay quá dồi dào và như thế sẽ khiến đồng tiền bản địa bị mất giá. Trong tình hình đó, bất động sản được coi là kênh đầu tư an toàn, chống lạm phát cho họ. Và họ vô tình góp sức thổi quả bóng đang căng.
Chính trị cũng là yếu tố thổi quả bóng đang căng. Cuộc chiến quyền lực đã bắt đầu, trọng tâm là nhân vật sẽ thay thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào năm 2012. Bản thân ông Hồ Cẩm Đào cũng muốn bảo vệ các chính sách của mình bằng cách bảo đảm rằng những người ủng hộ ông sẽ tạo thành đa số trong đội ngũ lãnh đạo tương lai. Vì thế, giờ không phải là lúc chú trọng đến một nghiên cứu kinh tế sâu rộng, thẳng thắn, mà bằng mọi giá đạt được mục tiêu tự đặt ra là tăng trưởng 8% năm nay, bất chấp hậu quả những bong bóng mà họ tạo ra sẽ làm chậm việc giải quyết những vấn đề ám ảnh nền kinh tế Trung Quốc lâu nay.
Kịch bản và hậu quả bong bóng nổ
Kịch bản nổ bong bóng sớm nhất là khi các ngân hàng ngừng cho vay vốn mua bất động sản. Cả người bán và người mua đều gặp khó khăn. Người mua không đủ tiền mua nhà. Giá nhà sẽ sụt giảm và người bán phải bán nhà thật nhanh để thu hồi vốn nhưng đến lúc đó, sẽ không dễ bán.
Các chuyên gia cho rằng sự hồi phục kinh tế dựa vào “bong bóng” bất động sản có thể diễn ra trong thời gian ngắn hạn, nhưng lại rất nguy hiểm bởi theo các chuyên gia, nó có thể làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu nghèo, từ lâu đã là nguy cơ gây bất ổn chính trị ở Trung Quốc. Ngoài ra, nó còn dẫn tới tình trạng phân phối sai các nguồn lực tài chính và tự nhiên, đe doạ làm sụp đổ hàng loạt nếu các nhà hoạch định chính sách quyết định sửa chữa lại chiến lược hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị