Top

Biển thủ gần 1 tỉ USD từ nhà giá rẻ

Cập nhật 12/08/2013 09:48

Theo Văn phòng kiểm toán quốc gia Trung Quốc, đã có 360 dự án và tổ chức biển thủ số tiền gần 1 tỉ USD trong năm 2012 từ chương trình nhà ở giá rẻ của nước này.

Ngày 9/8, Văn phòng kiểm toán quốc gia Trung Quốc cho biết, đã có khoảng 5,8 tỉ nhân dân tệ (khoảng 950 triệu USD) bị chi cho các mục đích “trả nợ, đầu tư nước ngoài, trưng dụng đất, phá hủy nhà và các chi phí không liên quan đến dự án nhà ở giá rẻ khác”.

Theo đó, đã tổng cộng có 360 dự án và tổ chức “biển thủ” số tiền gàn 1 tỉ USD trong năm 2012.

Một công trình nhà ở tại Bắc Kinh

Trong những năm gần đây, chi phí nhà ở tại Trung Quốc trở thành một vấn đề nhạy cảm. Từ năm 2011 đến 2015, chính phủ Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 36 triệu đơn vị nhà ở giá rẻ. Hồi năm ngoái, chương trình này nhận tổng cộng 880 tỉ nhân dân tệ và xây dựng được 5,9 triệu đơn vị nhà ở, hỗ trợ cho 9,5 triệu gia đình.

Tuy nhiên, lợi dụng chính sách này, có khoảng 110.000 gia đình làm giả giấy tờ để đủ điều kiện được hỗ trợ nhà ở.

Tân Hoa Xã từng lên tiếng cảnh báo công tác chống tham nhũng trong chương trình nhà ở giá rẻ đang trở nên “ngày càng cấp bách” trong một bản tin đầu năm 2013.

Theo Viện thống kê Trung Quốc, giá nhà trung bình hồi tháng 7 ở nước này là 10.300 nhân dân tệ mỗi mét vuông, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

BĐS Trung Quốc có nguy cơ  nổ bong bóng

Trong một diễn biến khác, theo báo Bưu điện Tài chính (Canada) ngày 13/3, một nghiên cứu độc lập mới được công bố cho biết việc đầu cơ ở mức độ cao và dòng tiền giá rẻ đang thổi bong bóng bất động sản của Trung Quốc tiến dần đến mức cực hạn và nguy cơ bùng nổ dường như là không thể tránh khỏi.

Ông Gillem Tulloch, người sáng lập và là Giám đốc Điều hành của công ty nghiên cứu độc lập Forensic Asia, có trụ sở ở Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), nói rằng bong bóng bất động sản của Trung Quốc sẽ nổ tung trong nửa cuối của năm 2013 khi chính phủ nước này ngừng bơm các khoản tiền cho các ngân hàng nhằm tránh đổ vỡ tín dụng.

Vào đầu tháng 3/2013, trong một kỳ vọng nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản, Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch đánh thuế 20% trên thặng dư vốn và nâng tiền đặt cọc của người mua nhà lần hai.

Tuy vậy, biện pháp này có thể mang lại các kết quả khác nhau. "Tôi chưa bao giờ tình cờ thấy được một chính phủ có thể thực sự kiềm chế và làm giảm tốc độ tăng của bong bóng." - Ông Tulloch cho biết.

Các tài khoản đầu tư cho bất động sản đang chiếm một phần lớn trong nền kinh tế của Trung Quốc và điều đó có nghĩa là một khi tai nạn xảy ra thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Hậu quả đầu tiên có thể thấy là hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể sụp đổ, nợ xấu lên cao và tăng trưởng giảm mạnh trong thời gian dài, có thể kéo cả nền kinh tế vào vòng xoáy đi xuống.

Tuy nhiên, những người lạc quan thường cho rằng Trung Quốc sẽ suy giảm từ từ và không sụp đổ đột ngột. Ẩn dụ ưa thích của họ là kinh tế Trung Quốc như một chuyến tàu cao tốc, có thể chậm lại nhưng sẽ không đổ.

Cách đối phó của ban lãnh đạo mới tại Trung Quốc với kịch bản về cơn ác mộng này vẫn còn là một ẩn số. Hiện nay, họ không tỏ ra quá hoảng hốt mà sẵn sàng chấp nhận kinh tế tăng trưởng chậm. Họ dường như hiểu rằng tốc độ tăng trưởng nhờ tín dụng không những không bền vững mà còn dẫn đến một thảm họa lớn hơn nhiều khi bong bóng đó vỡ. Theo cách hiểu lạc quan này, Bắc Kinh chỉ đang đánh cược với thời gian. Họ đang chờ các điều kiện kinh tế xấu đến một mức nhất định, để dùng cuộc khủng hoảng này đẩy nhanh tiến trình cải cách đầy đau đớn.
 
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đất Việt