Top

Khốc liệt cạnh tranh trong ngành thép

Cập nhật 12/12/2009 10:20

Chưa có dự án thép nào bị loại do nằm ngoài quy hoạch. Ảnh: Đức Thanh

Năm 2010, các doanh nghiệp ngành thép sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh rất khốc liệt do cung ngày càng lớn hơn cầu, trong khi vẫn có nhiều dự án thép được đầu tư xây dựng.

Theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ năm 2010, một số sản phẩm thép sẽ không còn được hưởng ưu đãi và bảo hộ cao về thuế nhập khẩu.

Việc bổ sung thêm một số dự án mới về thép trong năm tới cũng sẽ làm khoảng cách cung - cầu về thép xa thêm, dẫn đến cạnh tranh khốc liệt giữa các thành phần kinh tế ở thị trường trong nước.

Đó là đánh giá mới đây của ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) về tình hình ngành thép năm 2010.

Ông Cường cho biết, các sản phẩm được xem là có sự cạnh tranh quyết liệt nhất bao gồm: thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại, sơn phủ màu. Theo thống kê của VSA, năng lực sản xuất của ngành thép tính tới cuối năm 2009 đạt 1,8 triệu tấn gang từ lò cao, 4,5 - 4,7 triệu tấn phôi thép vuông, 7 triệu tấn thép xây dựng các loại, 2 triệu tấn thép cuộn cán nguội, 1,2 triệu tấn thép lá được mạ và 1,3 triệu tấn ống thép.

Trong khi đó, vẫn theo VSA, tới thời điểm này, có thể ước lượng khá chính xác lượng tiêu thụ thép của năm 2009 là 3,986 triệu tấn thép xây dựng, 300.000 tấn thép cán nguội, 447.000 tấn ống thép và 401.000 tấn tôn mạ.

Như vậy, so với mức tiêu thụ thực tế các sản phẩm thép trong năm 2009, có thể thấy rõ khoảng cách giữa cung và cầu. Các doanh nghiệp thép sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh rất khốc liệt do cung ngày càng lớn hơn cầu, trong khi vẫn có nhiều dự án thép được đầu tư xây dựng.

Theo ông Cường, cung ứng phôi thép vuông cho các nhà máy cán sản xuất thép xây dựng sẽ vượt 60%. Bên cạnh đó, các sản phẩm thép cùng loại, nhưng giá rẻ hơn của Trung Quốc, Nga và các nước ASEAN vẫn luôn sẵn sàng thâm nhập thị trường Việt Nam, trong khi hàng rào bảo vệ phải tuân thủ luật quốc tế, tức là phải đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể, chứ không đơn thuần dùng biện pháp cấm hay đánh thuế cao.

Ước tính, cả năm 2009, lượng thép thành phẩm nhập khẩu đạt 6,7 triệu tấn, tăng 18%; thép phế liệu đạt 2,3 triệu tấn; tăng 55%; các loại thép lá được mạ, thép cuộn, thép tấm lá đen đều tăng khoảng 20% so với năm ngoái.

Ngành thép tăng trưởng đáng kể trong năm 2009 là nhờ tác động của các biện pháp kích cầu kinh tế của Chính phủ. Tuy nhiên, bước sang năm 2010, ngành thép sẽ phải đương đầu với một số khó khăn mới, khi giá các nguyên liệu cơ bản như quặng sắt, than, dầu, phôi thép, thép phế, điện năng và một số loại nguyên liệu khác chắc chắn sẽ cao hơn so với năm 2009.

Không chỉ là lộ trình tăng giá theo kế hoạch của ngành điện, than ở trong nước, mà sự tăng giá nguyên, nhiên liệu của ngành thép còn do tình hình kinh tế thế giới có chuyển biến thuận lợi hơn năm 2009.

Theo nhận định mới đây của Hiệp hội Thép thế giới, nhu cầu thép thế giới đã thoát khỏi đáy. Tổng nhu cầu thép thế giới năm 2009 sẽ vào khoảng 1,104 tỷ tấn, giảm 8,6% so với mức 1,207 tỷ tấn năm 2008. So với con số dự báo trước đó là nhu cầu thép thế giới sẽ giảm 14,1% và chỉ đạt mức 1,019 tỷ tấn, thì con số mới công bố được xem là khá lạc quan.

Lẽ dĩ nhiên, tăng trưởng của thị trường thép thế giới sẽ khiến các nguyên, phụ liệu của ngành thép không còn ở mức giá thấp như khi diễn ra khủng hoảng. Là nước phụ thuộc khá nhiều vào phôi thép và thép phế nhập khẩu, Việt Nam chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ sự hồi phục giá cả này.

Việc chấn chỉnh hoạt động đầu tư tràn lan và khắc phục tình trạng “ăn xổi” trong ngành thép cũng được xem là chưa có gì mới từ phía cơ quan nhà nước. Ngoài các báo cáo của địa phương và Bộ Công thương về thực trạng đầu tư vào ngành thép, cùng nhắc nhở của Chính phủ trong việc rà soát lại hiệu quả của các dự án, thì dường như chưa có dự án nào bị loại do nằm ngoài quy hoạch hay không tuân thủ các điều kiện cần thiết khi đầu tư.

Quyền quyết định chủ yếu thuộc về các nhà đầu tư, nhưng những gì đang diễn ra trong ngành thép cũng cho thấy, nguồn lực của xã hội đang bị lãng phí khi cung vượt quá xa cầu.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư