Top

Nhan nhản dự án BĐS “hoa hậu” đặt trên bàn đàm phán

Cập nhật 22/07/2013 14:23

Dự án bất động sản sản nhà ở được chào bán nhan nhản, nhưng các thương vụ thành công trong 6 tháng qua lại tập trung ở dự án BĐS thương mại.

Hoạt động M&A bất động sản (mua bán, sáp nhập) diễn ra trong thời gian qua khá sôi động, trong đó BĐS thương mại được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Theo báo cáo một số đơn vị, từ 2011 đến nay M&A bắt đầu xuất hiện nhiều thương vụ lớn.
Trong 6 tháng đầu năm nay, những thương vụ thâu tóm diễn ra khá nhiều ở mảng BĐS thương mại, dự án BĐS nhà ở thì được chào bán nhan nhản nhưng lại không có mấy giao dịch thành công.

Theo ông Phan Xuân Cần, chủ tịch Sohovietnam, khó khăn tài chính, cạn kiệt tiền mặt là lý do chính khiến các chủ dự án phải tái cơ cấu lại dự án. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay của các dự án BĐS nhà ở là chỉ những dự án “hoa hậu” mới  có thanh khoản và được nhà đầu tư quan tâm, còn các dự án vùng ven được chào bán nhan nhản. Và để những dự án này “hồi sinh” thì con đường duy nhất là phải “đổi chủ”, những nhà đầu tư có tiềm lực sẽ tạo “luồng gió mới” cho dự án.

Ông Cần lấy ví dụ, một dự án nhà ở nằm trên đường Lê Đức Thọ,vị trí đã đầy đủ các tiện ích, hạ tầng để phát triển nhà ở, do chủ đầu tư này gần như cạn vốn nên đến nay vẫn “đắp chiếu” để đó nhiều tháng nay, mặc dù dự án đã xây lên đến tầng 6, tầng 7 và số vốn đã đổ vào đây khoảng 600-700 tỷ. Và để dự án này có thể “hồi sinh” thì dự án buộc phải tái cấu trúc.

Đây cũng là trường hợp điển hình cho rất nhiều dự án BĐS nhà ở đang xây dựng dở dang trên thị trường hiện nay. Đây cũng là thời điểm nhu cầu thực về mua bán dự án tăng khá cao, vấn đề mấu chốt vẫn là giá.


Khoảng 30 dự án đang chào bán có tới 50% nằm ở khu phía Tây (Cầu Giấy, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Xuân), đa phần ở các tổ hợp văn phòng, TTTM tại các trục đường lớn.

Thực tế cũng cho thấy, các thương vụ thành công thời gian gần đây đều nằm ở các BĐS thương mại, có khả năng sinh lời. Một số thương vụ điển hình, Lotte Hotels & Resorts (Hàn Quốc) mua Khách sạn Legend Hotel Saigon trị giá hơn 62 triệu USD; Mapletree (Singapore) mua lại Centre Point với hơn 52 triệu USD hay Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đàm phán mua Gemadept Tower với giá trị khoảng 45 triệu USD. Warburg Pincus công bố khoản đầu tư 200 triệu USD vào Vincom Retail, EXS Capital có trụ sở tại Hồng Kông cũng vừa công bố thương vụ đầu tư 35 triệu USD vào Sơn Kim Land, một khách sạn 4 sao tại trung tâm Hà Nội cũng vừa được chuyển nhượng thành công trị giá 10 triệu USD,…

Ông Chris Brown, CEO của Cushman & Wakefield (Vietnam) nhận định, các dự án có địa điểm tốt, hồ sơ giấy tờ minh bạch, cấu trúc sở hữu hợp lý và giá cả cạnh tranh, bất động sản đang vận hành và những khu đất có vị trí trung tâm sẽ là chọn lựa hàng đầu. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhận thấy thị trường Việt Nam là thị trường chưa phát triển, tồn tại nhiều rủi ro
StoxPlus cho rằng, thị trường M&A Việt Nam năm 2013-2014 vẫn tiếp tục sôi động bởi xu hướng chuyển dịch từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sang đầu tư gián tiếp qua M&A.

Bất động sản, thực phẩm và đồ uống, xi măng, ngân hàng và tài chính là những lĩnh vực sẽ “nóng” về M&A trong năm nay.
 
DiaOcOnline.vn - Theo Tri Thức Trẻ